Dự án Louis City Hoàng Mai: Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra loạt sai phạm

26/05/2020 07:14

Kinhte&Xahoi Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, năm 2011, UBND TP Hà Nội giao UDIC làm chủ đầu tư dự án không thông qua đấu thầu là thực hiện không đúng quy định.

Hiện trạng khu đất thực hiện dự án Louis City Hoàng Mai nhìn từ trên cao (Ảnh ghi nhận vào ngày 18/5/2020).

Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ - có tên gọi thương mại là Louis City Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), do Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Hoàng Mai làm chủ đầu tư.

Như Pháp luật Plus đã thông tin, thời gian gần đây, Dự án Louis City Hoàng Mai đang được nhiều sàn giao dịch bất động sản rao bán các suất đầu tư, nhận đặt cọc.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV vào thời điểm giữa tháng 5/2020, dự án Louis City Hoàng Mai vẫn chưa hoàn thiện xong hạ tầng kỹ thuật.

Việc nhiều sàn giao dịch bất động sản rao bán suất đầu tư, nhận đặt cọc ở thời điểm hiện tại là trái với các quy định tại Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở quy định, Luật nhà ở năm 2014. Người dân cần cẩn trọng và tỉnh táo trước những lời mời gọi đề nghị mua bất động sản của những môi giới, khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán.

Theo Khoản 1, Điều 55 của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 nêu rõ: Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Bên cạnh đó, theo điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở quy định, Luật nhà ở năm 2014 không cho phép chủ đầu tư ký hợp đồng đặt cọc với cá nhân, tổ chức nhằm huy động vốn xây dựng dự án nhằm mục đích được ưu tiên đăng ký hoặc hưởng quyền mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Vào đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ từng công bố kết luận thanh tra và chỉ ra loạt sai phạm tại 9 dự án do Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) hoặc các công ty con, đơn vị thành viên của Công ty Lã Vọng làm chủ đầu tư. Trong đó, có dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (Dự án Louis City Hoàng Mai).

Dự án Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Hoàng Mai làm chủ đầu tư.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vào năm 2000, UBND TP Hà Nội giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) tổ chức nghiên cứu, lập dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội). 

Từ năm 2000 đến 2007, UDIC làm chủ đầu tư dự án nhưng mới triển khai được một số công tác chuẩn bị đầu tư, chủ yếu tập trung vào việc lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư.

"Năm 2011, UBND TP Hà Nội giao UDIC làm chủ đầu tư dự án không thông qua đấu thầu là vi phạm quy định tại Điều 13, Điều 14, Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2006", kết luận thanh tra nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, để xảy ra vi phạm trên, trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch & Đầu tư và UBND TP Hà Nội.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 20/10/2016, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis – (Công ty thành viên của Công ty Lã Vọng) và Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới (Công ty con của Công ty Lã Vọng) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để tham gia góp vốn thực hiện dự án này.

Năm 2017, UBND TP Hà Nội đồng ý cho UDIC hợp tác đầu tư với Công ty Louis và Công ty Ngôi nhà mới thành lập Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai tiếp tục triển khai, hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án. 

Việc năm 2017, UBND TP Hà Nội tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xác định phần diện tích đất ở cao tầng là 7,044 ha, trong đó có 2,04 ha đất đã quy hoạch nhà ở cao tầng khu di dân, đấu giá thực hiện dự án riêng, giao quĩ đất 20% của dự án để làm dự án đối ứng BT, không xem xét đến chủ trương của thành phố về phát triển quĩ nhà dành cho tái định cư và nhà ở xã hội là trái với quy định tại nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.

"Trách nhiệm này thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND TP Hà Nội", Thanh tra Chính phủ kết luận.

Về quản lý đất đai, UBND phường Thịnh Liệt và UBND quận Hoàng Mai buông lỏng quản lý đất đai và trật tự xây dựng để việc xây dựng trái phép, chia tách chuyển nhượng trên phần đất giải tỏa, gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng.

Thanh tra Chính phủ cho biết, trách nhiệm này thuộc về UBND phường Thịnh Liệt và UBND quận Hoàng Mai.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội thực hiện chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai xử lý theo quy định những hộ, cá nhân lấn chiếm, mua bán, xây dựng không phép vi phạm pháp luật.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Điện Biên: Tỉnh đoàn lập hồ sơ khống trong dự án hỗ trợ người nghèo

Mới đây, Báo PLVN nhận được đơn thư của một số người dân phản ánh về việc Tỉnh đoàn Điện Biên lập biên bản nghiệm thu, bàn giao, quyết toán khối lượng trước khi công trình được thi công. Đáng nói, việc lập hồ sơ giả của đơn vị này lại xảy ra trong một dự án mang tính nhân đạo.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/du-an-louis-city-hoang-mai-thanh-tra-chinh-phu-tung-chi-ra-loat-sai-pham-d125413.html