Đừng chủ quan với Covid-19 ở trẻ em

24/02/2020 10:22

Kinhte&Xahoi Tính đến thời điểm hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa nghiên cứu ra bằng chứng và các cơ sở khoa học để lý giải vì sao Covid-19 lại “không thích” trẻ em. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, các phụ huynh nên chủ động trong công tác phòng dịch Covid để bảo vệ con em mình.

 Hướng dẫn trẻ rửa tay là một trong những cách phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 ở trẻ em

Trẻ em nhiễm Covid-19 hiện nay diễn biến như thế nào?

Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc đã thực hiện một nghiên cứu lớn nhất về Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát cuối tháng 12/2019, theo Hãng tin AFP ngày 18/2 về kết quả nghiên cứu cho biết:

“Tỉ lệ tử vong cao nhất, 14,8%, là ở nhóm bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên.

Không có trường hợp tử vong nào ở trẻ dưới 9 tuổi dù có ít nhất hai trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm Covid-19 từ mẹ.

Ở bệnh nhân dưới 39 tuổi, tỉ lệ tử vong vẫn khá thấp, ở mức 0,2%. Tỉ lệ này tăng theo độ tuổi, lên 0,4% ở nhóm 40-49 tuổi, 1,3% ở nhóm 50-59 tuổi, 3,6% ở nhóm 60-69 tuổi và 8% ở nhóm 70-79 tuổi.

Nam giới có tỉ lệ tử vong là 2,8%, cao hơn so với nữ giới là 1,7%”.

Như kết quả nghiên cứu trên thì tỷ lệ trẻ em nhiễm bệnh ít hơn so với người trưởng thành và người già. Tuy nhiên, ít lây nhiễm chứ không phải trẻ em không có khả năng lây nhiễm Covid-19.

Gần đây, theo Giáo sư Huijun Chen và cộng sự của BV Đại học Vũ Hán đã báo cáo có 9 ca thai phụ nhiễm Covid-19 đã sinh nở thành công bằng phương pháp mổ đẻ và may mắn không bé sơ sinh nào bị nhiễm Covid-19. Ngay khi mổ bác sĩ đã thu thập mẫu máu cuống rốn, mẫu nước ối, mẫu sữa mẹ và mẫu dịch hầu họng của bé sơ sinh. Tất cả các mẫu bệnh phẩm này đều âm tính với Covid-19. Mặc dù không bị lây nhiễm Covid-19, các bé sơ sinh vẫn phải cách ly với mẹ đã bị nhiễm Covid-19.

Trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đây có thể coi là một tín hiệu khả quan vì Covid-19 không lây từ mẹ mang thai sang con, cho dù cơ chế vì sao trẻ em ít bị nhiễm Covid-19 và vì sao Covid-19 không lây từ mẹ mang thai sang con chưa rõ ràng.

Tại Việt Nam, ngày 11/2/2020 vừa qua, Bộ Y tế nước ta ghi nhận trường hợp một bé gái 3 tháng tuổi mắc Covid-19 ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bé gái bị lây bệnh từ bà ngoại, là ca bệnh F3 đầu tiên ở Việt Nam nhiễm Covid-19.

Trước đó, bà ngoại lây từ một trường hợp dương tính là nữ công nhân từ TP Vũ Hán về. Sau 2 ngày điều trị theo dõi sát sao tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cho biết sức khỏe cháu bé tiến triển tốt, cháu và mẹ đang được cách ly. Đến nay, sức khỏe của bé gái nhiễm Covid-19 đã ổn định và cho kết quả xét nghiệm âm tính.

Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở trẻ em

Theo PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải được đầy đủ vì sao tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 lại thấp hơn các nhóm khác do các dữ liệu liên quan đến đặc điểm môi trường, miễn dịch của trẻ, đặc điểm của virus vẫn đang được nghiên cứu.

Dù tỷ lệ nhiễm bệnh Covid-19 ở trẻ em không cao nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị lây nhiễm bệnh nếu không được bảo vệ đúng cách.

“Nếu Covid-19 lây truyền chủ yếu ở trẻ em, sẽ thật sự là thảm họa. Hiện nay, tỷ lệ trẻ nhiễm virus Covid-19 ở mức thấp là một điều đáng mừng, bởi vì trẻ không tự ý thức được như phải rửa tay, che miệng hay chạm vào người khác hoặc những hành động có thể làm lan truyền virus”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP HCM chia sẻ.

Đối với người lớn chúng ta, mọi người đều có ý thức rửa tay, che miệng, đeo khẩu trang,… và triệu chứng ít nhiều đều đã rõ ràng. Nhưng ở trẻ em thì ngược lại, khả năng nhiễm bệnh từ trẻ nhiễm virus dễ dàng hơn rất nhiều so với từ người lớn. Các đồ chơi của trẻ cũng như thói quen chơi và bám vào các vật dụng hay bò dưới sàn nhà, trẻ nhỏ chưa thể ý thức được phải tự bảo vệ bản thân hay tự rửa tay nên đó là những mối nguy cơ khiến trẻ dễ bị lây nhiễm nếu sinh sống trong vùng dịch.

Không chỉ nguy cơ nhiễm từ bề mặt của các đồ vật, mà còn từ các hành động như ôm, hôn, hay tiếp xúc với người lạ. Thông qua các hành động này, các virus sẽ đi theo đường giọt bắn và trẻ thì chưa thể kiểm soát được điều này, dẫn đến việc lây nhiễm nguy hiểm hơn.

Hơn nữa, “hầu hết các trẻ nhiễm Covid-19 đều biểu hiện lâm sàng nhẹ. Các bệnh nhân này không sốt và không có triệu chứng của viêm phổi, rất khó để phụ huynh nhận biết”, theo các chuyên gia nhận xét.  

Do vậy, bảo vệ trẻ khỏe mạnh trong mùa bệnh dịch cũng là cách bạn đang bảo vệ chính bản thân, cả gia đình và cả xã hội.

Biện pháp bảo vệ trẻ em an toàn trong mùa dịch Covid-19

Để tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và an toàn đi qua mùa dịch, các chuyên gia cũng như Bộ Y tế, WHO vẫn cảnh báo phụ huynh không chủ quan trong thời điểm dịch bệnh và chuẩn bị giao mùa như hiện nay. Vì thế, chúng ta không nên chủ quan, không có các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa. Cần phải dự phòng, tất cả mọi người đều phải được phòng ngừa và thực hiện biện pháp phòng ngừa như nhau.

Theo tài liệu mới nhất về “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng nhiễm nCoV (nay là Covid-19) ở trẻ em”, dựa trên Hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam và Bản đồng thuận của Ủy ban Y tế Trung Quốc, các biện pháp dự phòng Covid-19 cho trẻ em của TS. BS. Nguyễn Hữu Châu Đức, Bộ môn Nhi, Trung Tâm Nhi Khoa - Bệnh Viện Trung ương Huế như sau:

1. Kiểm soát nguồn lây
 
Trẻ em bị nhiễm Covid-19 nên được cách ly tại nhà hoặc vào bệnh viện được chỉ định theo hướng dẫn của nhân viên y tế;

Cần cố gắng cung cấp phòng đơn cho trẻ em bị cách ly và giảm cơ hội tiếp xúc giữa các trẻ đồng nhiễm;

Cần đảm bảo về thông khí phòng, vệ sinh thiết yếu và công việc khử trùng cho các vật phẩm được trẻ sử dụng;

Sử dụng mặt nạ dùng một lần và thải bỏ đúng cách sau khi chăm sóc trẻ bệnh;

2. Chặn đường truyền

Ngăn ngừa lây truyền qua các giọt bắn hô hấp (droplets) và tiếp xúc:

Che miệng và mũi bằng khăn ăn hoặc khăn vải khi ho hoặc hắt hơi; 

Rửa tay cho trẻ thường xuyên, hoặc dạy trẻ kỹ thuật rửa tay bảy bước;

Cố gắng không chạm vào miệng, mũi hoặc mắt trước khi đã rửa tay kỹ sau khi trở về từ nơi công cộng, sau khi che miệng khi ho, trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh;

Thường xuyên khử trùng đồ chơi bằng cách làm nóng ở 56°C trong 30 phút, cồn 75% hoặc chất khử trùng có chứa clo và tia cực tím.

Giảm tiếp xúc với tác nhân lây nhiễm:

Tránh giao thông công cộng tại các vùng dịch tễ và đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc thông gió kém;

Tránh chạm vào hoặc ăn thịt động vật hoang dã và đi chợ bán động vật sống.

Theo dõi sức khỏe trẻ em:

Trẻ em có tiền sử tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân nhiễm trùng cần được theo dõi nhiệt độ cơ thể và các biểu hiện lâm sàng thường xuyên. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngờ, nên đưa đi sàng lọc;

Trẻ sơ sinh được sinh ra bởi các bà mẹ bị nhiễm bệnh phải được xét nghiệm mầm bệnh và cách ly trong một phòng bệnh hoặc tại nhà tuỳ theo điều kiện y tế.

3. Tăng cường miễn dịch

Ăn uống điều độ;

Giữ sức khỏe răng miệng;

Tập thể dục đầy đủ;

Nghỉ ngơi thường xuyên;

Tiêm vaccine là một cách hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm virus.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Ba Đình (Hà Nội): Nhiều uẩn khúc trong việc cấp sổ đỏ tại số 33, phố Tân Ấp

Đã về hưu, Xí nghiệp bị giải thể nhưng ông Nguyễn Việt Trung lại không bàn giao tài sản cho Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà, thay vào đó có dấu hiệu không minh bạch trong việc cho thuê nhà, biến tài sản chung thành tài sản riêng. Tài sản được cấp sổ đỏ có nhiều uẩn khúc, khó hiểu.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/dung-chu-quan-voi-covid-19-o-tre-em-d117934.html