Giá xăng dầu giảm mạnh lần thứ 2 liên tiếp

21/07/2022 15:35

Kinhte&Xahoi Giá xăng dầu các loại tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh từ 15h, chiều 21/7.

Chiều 21/7, liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước, từ 15h, chiều 21/7.

Ảnh minh họa

Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 2.710 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 3.600 đồng/lít. Tương tự, các mặt hàng dầu diesel giảm 1.740 đồng, dầu hỏa giảm 1.100 đồng.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 về mức 25.070 đồng mỗi lít, xăng RON 95-III còn 26.070 đồng/lít. Giá dầu diesel còn 24.850 đồng một lít, dầu hỏa có mức giá mới là 25.240 đồng/lít.

Như vậy, đây là lần thứ 2 liên tiếp giá xăng dầu giảm mạnh. Mức giảm mạnh này được lý giải là do trên thị trường thế giới các mặt hàng này đang trượt giá so với đỉnh, đồng thời là nhờ tác động nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ở kỳ điều hành lần này, cơ quan điều hành tiếp tục ngừng chi Quỹ Bình ổn giá (BOG) với tất cả mặt hàng xăng dầu. Trong khi đó, mức trích vào Quỹ BOG với E5RON92 và RON 95-III là 950 đồng/lít, dầu diesel là 550 đồng, dầu hoả 700 đồng.

Trong một diễn biến liên quan, trước diễn biến tăng cao của giá xăng dầu thế giới, trong khi nguồn cung trong nước gặp sự cố kỹ thuật nên Bộ Tài chính cho biết, bộ đã sớm dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% thay cho phương án trước đó đã gửi xin ý kiến (giảm từ 20% xuống 12%).

Việc điều chỉnh này vẫn đảm bảo có được dư địa để đàm phán các FTA mới trong tương lai và không phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Đối với mặt hàng xăng động cơ, có pha chì, hiện nay gần như không có kim ngạch nhập khẩu và trong nước cũng không còn được phép sản xuất, sử dụng mặt hàng này nên Bộ Tài chính đề nghị giữ như mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN như hiện hành.

Đối với mặt hàng dầu, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ trong cam kết bảo lãnh với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Hiện mức thuế nhập khẩu đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định thương mại với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể.

Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký để sớm áp dụng ngay, đồng thời không quy định thời hạn áp dụng. Bởi, theo lộ trình cam kết thì thuế suất FTA của mặt hàng xăng tại Hiệp định ATIGA sẽ được giảm xuống còn 5% vào năm 2023 và về 0% vào năm 2024 nên việc quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN 10% đối với mặt hàng xăng để áp dụng ổn định cũng là phù hợp, đảm bảo sự chênh lệch hợp lý giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với mặt hàng xăng.

 Hậu Lộc- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc: https://tuoitrethudo.com.vn/gia-xang-dau-giam-manh-lan-thu-2-lien-tiep-201517.html