Giá xăng tăng, hành khách giảm - doanh nghiệp vận tải lao đao

23/02/2022 08:00

Kinhte&Xahoi Giá xăng dầu trong nước ở thời điểm này đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao vì lượng hành khách vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Khó khăn chồng chất

 Kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 21/2 đánh dấu lần tăng giá thứ năm liên tiếp. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/2 là 25.530 đồng một lít (tăng 960 đồng); RON 95 là 26.280 đồng một lít (tăng 960 đồng). Đây là giá xăng cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Trải qua hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải vừa nhận tín hiệu lạc quan từ hồi phục du lịch trong nước thì việc giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua khiến họ khốn đốn. Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc cho biết, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. "Giá xăng dầu tăng, khách đi xe ít khiến họ không có thu nhập, sẽ bỏ việc", ông Hùng nói.

Giá xăng dầu tăng mạnh buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước, nếu không sẽ phải bù lỗ trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ việc điều chỉnh giá cước cũng không dễ do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng. Cùng với đó, việc doanh nghiệp phải tăng giá cước khiến lượng khách sẽ càng ít hơn. Để tồn tại, doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh lại quy mô, tiết giảm bộ máy, chi phí.

Giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua khiến cho nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao vì lượng hành khách vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục

Lo lắng trước giá xăng tăng cao kỷ lục, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiêm Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Thăng Long, cho biết: Các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua. Thua lỗ do xe phải “đắp chiếu" thời gian dài vì dịch COVID-19, nay thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để các đơn vị vận tải hoạt động lại vì chi phí xăng, dầu chiếm tới 35%-40% chi phí hoạt động.

"Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15%-20% vì lượng khách giảm sút, chủ yếu sử dụng xe cá nhân. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng nữa thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng", ông Liên nói.

Là đơn vị vận tải hành khách tuyến Hà Nội - Lào Cai, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết: Dù hoạt động du lịch đang từng bước khôi phục nhưng doanh nghiệp vận tải của ông mới hoạt động được 30% lượng phương tiện. "Chúng tôi đang hoạt động chủ yếu là các xe cỡ nhỏ, ít giường. Đối với xe giường nằm cỡ lớn, hành khách vẫn e ngại vấn đề dịch COVID-19", ông Bằng chia sẻ.

Cần lên phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải

 Giá xăng dầu trong nước ở thời điểm này đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Giá xăng tăng trong khi vận tải hành khách bằng xe ôm công nghệ chỉ mới được cho phép hoạt động trở lại cách đây ít ngày đã khiến không ít tài xế lao đao.

Tại khu vực Bến xe Giáp Bát (Hà Nội), hàng loạt tài xế xe ôm công nghệ mỏi mòn chờ khách. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, dù là thời điểm thành phố cho phép học sinh, sinh viên được đi học lại song lượng hành khách tại bến xe này rất đìu hiu, vắng vẻ, các tài xế “ngồi chơi” dài.

Anh Lê Văn Đình, một tài xế xe ôm công nghệ tại khu vực bến xe Giáp Bát cho biết: "Là sinh viên, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi tranh thủ chạy thêm xe ôm công nghệ để tự lo phí sinh hoạt, học tập và phụ giúp gia đình. Tuy nhiên công việc chạy xe ôm đang gặp nhiều khó khăn bởi giá xăng tăng chóng mặt.

Ngày trước, tôi chỉ cần đổ 70.000 - 80.000 đồng là đầy bình rồi, bây giờ phải 120.000 đồng mới đủ. Giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá. Trong khi khách đi xe thì đìu hiu. Dịch bệnh đã gây khó nay lại càng khó hơn", anh Đình chia sẻ.

Giá xăng tăng trong khi vận tải hành khách bằng xe ôm công nghệ chỉ mới được cho phép hoạt động trở lại cách đây ít ngày đã khiến không ít tài xế lao đao

Theo chia sẻ của các tài xế xe ôm công nghệ, giá xăng tăng ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập. Do vậy, kể từ thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh, các tài xế xe ôm công nghệ không dám chạy lòng vòng tìm khách như mấy hôm trước vì sợ không đủ tiền đổ xăng, mà chạy không đủ lệnh sẽ bị sai thải.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, tuy nhiên các tài xế xe ôm truyền thống vẫn giữ nguyên giá cước để hỗ trợ khách hàng, nhất là những người lao động chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 vừa qua.

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, giá xăng tăng cao tác động tới giá cước và các chi phí hoạt động của ngành vận tải, không chỉ có vận tải đường bộ mà hàng không, đường thủy, đường biển đều bị ảnh hưởng.

"Giá cước vận chuyển tăng cao cũng sẽ tác động tới mặt bằng giá, dẫn tới nguy cơ lạm phát. Doanh nghiệp sẽ phải tính toán vào cơ cấu giá thành vận tải. Cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này", ông Liên nhận định.

Ông Liên nhấn mạnh giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu vẫn là các cá nhân, doanh nghiệp chủ động tiết kiệm xăng dầu; Khuyến khích người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế La Văn Thái cho rằng, sau gần 2 năm chống chọi với dịch COVID-19, đến nay, doanh nghiệp đã kiệt sức và không còn phương án nào để đảm bảo nguồn thu. Do vậy, cách duy nhất để họ giảm bớt khó khăn trước áp lực xăng dầu tăng giá là Nhà nước cần miễn hoặc giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp vận tải. Điển hình là phí bảo trì đường bộ và thu phí BOT.

Chuyên gia kinh tế La Văn Thái cũng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thông qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng một lít xăng dầu. Khi giá xăng dầu được điều chỉnh đi xuống, giá các loại hàng hoá mới quay đầu giảm và cước vận chuyển cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý.

Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngang nhiên xây tường rào bít mặt tiền, cổng nhà hàng xóm?

Bức tường cao 2m, dài 7m chình ình ngay trước mặt tiền ngôi nhà của người dân tại ngách 52/28 Tô Ngọc Vân, P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý. Vụ việc kéo dài khiến người dân chật vật đi lại không thể dọn đến nơi ở mới, gây bất bình dư luận.

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gia-xang-tang-hanh-khach-giam-doanh-nghiep-van-tai-lao-dao-190408.html