Giảm giá và bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường: Triển khai nhiều giải pháp

03/04/2020 11:40

Kinhte&Xahoi Kể từ ngày 1-4, giá thịt lợn hơi của nhiều công ty lớn trong lĩnh vực chăn nuôi đã giảm xuống còn 70.000 đồng/kg. Đây là kết quả bước đầu, ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, ngành Nông nghiệp cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo đảm nguồn cung, ổn định giá thịt lợn, giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới. Tuy nhiên, để giảm giá mặt hàng này vẫn cần phải có nhiều giải pháp.

Khách hàng mua thịt lợn tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội vào chiều 2-4. Ảnh: Nguyễn Quang

Giá giảm nhưng vẫn ở mức cao

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 1 và 2-4, giá lợn xuất chuồng của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn Dabaco Việt Nam… đã đồng loạt giảm xuống còn 70.000 đồng/kg theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn ngày 30-3.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết, từ ngày 1-4, giá lợn xuất chuồng của công ty đã giảm xuống còn 70.000 đồng/kg cho tất cả các khách hàng trên địa bàn cả nước. Để góp phần tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường, trung bình mỗi ngày công ty bán ra từ 23.000 đến 26.000 con lợn...

Thời điểm hiện tại các chủ lò mổ cũng bắt đầu giảm giá thịt lợn bán ra thị trường. Ông Bùi Quang Vinh, chủ cơ sở giết mổ Vinh Anh ở huyện Thường Tín chia sẻ: “Chúng tôi mua lợn xuất chuồng của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam là 70.000 đồng/kg, nhưng tính thêm chi phí vận chuyển, hao hụt… nên đến lò mổ sẽ là 75.000 đồng/kg. Hiện tại chúng tôi bán thịt lợn cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích với giá 135.000-140.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng 3-2020...”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông, hiện doanh nghiệp cung ứng thịt lợn cho hệ thống siêu thị đã giảm giá đầu vào nhưng ở mức khá thấp, chỉ 2%-4%. Cụ thể, trước đây giá thịt lợn đầu vào của siêu thị Co.op Mart là 145.000 đồng/kg, đến nay giảm xuống còn 140.000 đồng/kg.

Với giá như vậy, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi nhiều, nhưng theo chia sẻ của bà Trần Thị Hải ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) thì đến ngày 2-4, giá thịt lợn đã giảm nhẹ, thịt ba chỉ còn 150.000 đồng/kg; sườn 155.000 đồng/kg; thịt mông 130.000 đồng/kg; giảm từ 5.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg. Thịt lợn tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cũng dao động trong khoảng giá này.

Về tình trạng doanh nghiệp giảm giá thịt lợn xuất chuồng, nhưng trên thị trường giá bán vẫn cao, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá thịt lợn thành phẩm luôn có độ trễ giảm giá so với giá lợn hơi, các cơ sở giết mổ có thể vẫn còn tồn kho một số lượng lợn hơi. Thêm nữa, giá lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn duy trì ở mức cao chủ yếu là do nguồn cung giảm so với cùng kỳ các năm, nhất là do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi thời gian qua. Sản lượng thịt lợn quý I-2020 giảm 19,3% so với năm 2019 và giảm 17,3% so với cùng kỳ 2018. Theo dõi giá cả thị trường thịt lợn những năm qua thì tỷ lệ giá thịt lợn thành phẩm và giá lợn hơi thường dao động trong khoảng 1,7-1,9 lần. Do giá lợn hơi vẫn ở mức cao nên giá thịt lợn thành phẩm trên thị trường sẽ có mức cao tương đương.

Tăng nguồn cung, siết chặt quản lý

Việc tái đàn sẽ góp phần tăng nguồn cung, giảm giá thịt lợn. Ảnh: Giang Sơn

Trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước "gồng mình" trước những thách thức từ dịch Covid-19 thì việc giảm giá thịt lợn càng trở nên cấp thiết để giảm bớt khó khăn cho người dân. Để ổn định thị trường thịt lợn, trước mắt là đưa giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg và lộ trình đến cuối quý II và quý III năm nay sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg thì hai giải pháp lớn là tăng nguồn cung và siết chặt thị trường sẽ tiếp tục được tích cực triển khai.

Nhằm tăng nguồn cung ra thị trường, cùng với việc tiếp tục tái đàn (phấn đấu đến đầu quý III năm nay nguồn cung từ chăn nuôi sẽ đáp ứng được khoảng dưới 90% nhu cầu thịt lợn), tăng nhập khẩu thịt lợn tiếp tục là giải pháp được Bộ NN&PTNT triển khai (từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu 39.191 tấn thịt lợn, tăng 312% so với cùng kỳ năm trước). Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại nhưng Bộ NN&PTNT vẫn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Tham tán thương mại tại các nước để tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý cho việc nhập khẩu thịt lợn. Người tiêu dùng cũng nên chuyển dần sang sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt nóng.

Về quản lý thị trường, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang theo dõi tình hình thị trường, cung cầu, giá cả mặt hàng thịt lợn để có biện pháp hoặc đề xuất giải pháp điều hành kịp thời; đồng thời tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc... Bộ Công Thương hiện cũng đang triển khai rà soát các doanh nghiệp chăn nuôi lớn về việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, đã giao Tổng cục Thuế kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thịt lợn về chi phí giá thành, cũng như việc khai nộp thuế...

Một vấn đề khác Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý là kiểm soát chặt các khâu trung gian. Hiện tại trong cơ cấu giá thịt lợn, khâu trung gian chiếm 40-45% giá thành, do vậy thời gian tới phải quyết liệt triển khai các biện pháp mạnh giải quyết vấn đề này... Cùng với đó là việc tạo cơ chế để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cũng như tổ chức vận hành tốt hoạt động của các chuỗi chăn nuôi an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa khâu trung gian, giảm giá thành thịt lợn.

Với những giải pháp nêu trên cũng như sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng hy vọng nguồn cung thịt lợn sẽ được bảo đảm, giá cả phù hợp với đại đa số người tiêu dùng...

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay tổng đàn lợn của thành phố là 1,3 triệu con, tăng gần 300.000 con so với cuối tháng 12-2019. Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với 21 tỉnh, thành phố cung cấp nguồn thực phẩm, trong đó có thịt lợn về Hà Nội đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô... 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

DigiCity Việt Nam tung khuyến mại “ảo” nhằm câu kéo khách hàng?

Trước thông tin bạn đọc phản ánh về việc Công ty Cổ phần DigiCity Việt Nam bán hàng loạt sản phẩm như Tivi, Tủ lạnh với giá 50.000đồng trên website http://digicity.com.vn, nhưng khi khách hàng hỏi mua lại được thông báo sản phẩm đã bỏ mẫu, website đang sửa chữa, Báo PLVN đã liên hệ để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/963195/giam-gia-va-bao-dam-nguon-cung-thit-lon-cho-thi-truong-trien-khai-nhieu-giai-phap