Hiện giáo viên các trường công lập vẫn được nhận lương vì đó là tiền từ nguồn ngân sách trong thời gian có dịch Covid -19. Tuy nhiên, đối với giáo viên ở các trường tư thục thì tiền nhận được lại từ phía các chủ trường.

Nếu trong điều kiện các chủ trường năng lực tài chính không đảm bảo thì việc nghỉ học kéo dài sẽ tác động lớn đến lương và đời sống của giáo viên.

Việc nghỉ học kéo dài đang đẩy nhiều trường học và giáo viên ngoài công lập vào hoàn cảnh khốn khổ.

Đơn cử như câu chuyện của 150 giáo viên tại Trường mầm non Tuổi Thơ ở Nghệ An.

Dịch Covid-19 kéo dài, khiến nhiều trường tư thục hết tiền không có tiền trả lương cho các thầy cô, đời sống của họ thực sự khó khăn (ảnh nguồn Trường mầm non Tuổi Thơ Nam Đàn).

Tâm sự với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đặng Minh Chưởng, chủ của hệ thống Trường mầm non Tuổi Thở ở Nghệ An bày tỏ lo lắng.

Theo tâm sự của thầy Chưởng, tháng Tết phải chi bao nhiêu khoản vừa xong, vét hết tiền. Hoạt động của nhà trường phụ thuộc vào học phí tháng nào chi hết tháng đó nên học sinh không đi học, nhà trường không có khoản nào để thu nên không có tiền chi cho lương giáo viên.

 “Khó khăn lắm rồi, cô thì không lương, nhà trường chưa biết bấu víu vào đâu để có tiền trả lương cho các cô” – thầy Chưởng lo lắng.

Theo thầy Chưởng, nếu nghỉ ngắn 1 đến 2 tháng sau này trường hoạt động trở lại sẽ tìm phương án trả bù lương cho các cô. Nhà trường phải xin các cô thông cảm.

Việc 150 giáo viên và nhân viên Trưởng mầm non Tuổi Thơ ở Nghệ An sống  không lương, không thu nhập cần thiết phải được các cấp nghiên cứu để có phương án giúp nhà trường và các cô vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trước những khó khăn như vậy, thầy Đặng Minh Chưởng tha thiết kêu gọi mong được hỗ trợ để giáo viên có lương khỏi tìm việc khác, có tiền để đóng bảo hiểm liên tục. 

“Vốn làm trường là vốn vay cả dài hạn cả ngắn hạn, nếu không được giảm lãi, hoãn trả gốc thì nguy lắm…. Chính phủ phải có chính sách về vốn vay, lãi vay, hỗ trợ thêm nếu không nhiều trường phá sản” – thầy Chưởng nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, với những mô hình xã hội hóa giáo dục ở những vùng quê nghèo, còn nhiều khó khăn thì khả năng tài chính của các nhà trường là không lớn.

Chính vì thế cần phải có nghiên cứu tổng thể những tác động đối với các trường tư thục như Trường mầm non Tuổi Thơ ở Nghệ An để giúp các nhà trường vượt qua đợt dịch bệnh này.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ngay cả những trường tư thục ở thành phố lớn của Hà Nội cũng đang đối mặt với những rủi ro tài chính, các thầy cô cũng chịu tác động lớn vì dịch bệnh Covid -19.

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - Hiệu phó Trường Trung học cơ sở Alpha, Chủ tịch Công đoàn Hệ thống giáo dục Alpha.

Tâm sự với phóng viên cô Yến cho rằng, việc học sinh được nghỉ học ở nhà nhưng không có nghĩa là ngừng học.
 
Thầy cô nhà trường vẫn tiến hành thực hiện quyết liệt và sáng tạo việc dạy học online, tương tác kịp thời với học sinh.

Các nội dung học của từng bộ môn được thống nhất từ Ban Giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn, đến giáo viên, đến học sinh và phụ huynh.

Cuối tuần các giáo viên chủ nhiệm vẫn nhận xét tình hình học tập và đưa ra hướng dẫn học tập cho tuần tới. Các học sinh chỉ ra không đến trường chứ vẫn được quan tâm, sát sao, động viên giúp đỡ và thúc đẩy hàng ngày.

Hoạt động giáo dục là vậy nhưng đằng sau đó là những vấn đề nhà trường phải đối mặt đó là năng lực tài chính sẽ ảnh hưởng nếu dịch Covid – 19 kéo dài.

Cô Yến cho rằng: “Dù biết, còn nhiều ngành khác còn vật lộn và khó khăn hơn giáo viên rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì không chỉ chúng tôi mà các tổ chức khác thực sự sẽ rất khó khăn, hơn lúc nào hết cần sự vào cuộc của Công đoàn để có thêm những trợ cấp cho giáo viên, có thể là các trợ cấp thất nghiệp tạm thời hay trợ cấp thu nhập do đại dịch gây ra”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Bích Dung – Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý của Hệ thống Trường liên cấp Newton chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, đến nay nhà trường chưa nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào của bất cứ tổ chức nào.

Trong khi, ngày dịch học sinh nghỉ nhưng giáo viên vẫn tham gia làm bài giảng online đầy đủ tại trường.

Các giáo viên nhà trường luôn sẵn sàng họp dù đã là chiều muộn để hoàn thiện hơn từng ngày. Những nỗ lực này không phải để được ghi nhận, có những hy sinh thầm lặng của cán bộ giáo viên đâu dễ nhận được lời khen.

Để dạy được tốt, mỗi bài giảng hoàn thành là nỗ lực của bao con người, có cả nước mắt, nụ cười dẫu nhiều bài chưa được như mong muốn. Việc này được phụ huynh đánh giá rất cao như ông Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng ban phụ huynh lớp 10A1 nêu: “Tôi là giảng viên đại học, tôi khẳng định rất nhiều giáo viên không dạy được online. Tôi trân trọng những giáo viên làm được bài giảng online”.

Nỗ lực duy trì dạy học là thế nhưng theo cô Dung, tính đến thời điểm này nhà trường chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ của tổ chức nào. Cô cho rằng, vai trò của công đoàn trong đợt dịch này cần phát huy.

Công đoàn nên giang tay cứu giáo viên ngoài công lập

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: “Những lúc người lao động gặp khó khăn như lần này, có nơi chủ sử dụng lao động “bất lực” không có tiền trả lương, thì các quỹ như quỹ công đoàn, quỹ bảo hiểm thất nghiệp... nên giang tay hỗ trợ.

Lo cho đời sống của người lao động là trách nhiệm của doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội, của Nhà nước”. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Ba Đình (Hà Nội): Nhiều uẩn khúc trong việc cấp sổ đỏ tại số 33, phố Tân Ấp

Đã về hưu, Xí nghiệp bị giải thể nhưng ông Nguyễn Việt Trung lại không bàn giao tài sản cho Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà, thay vào đó có dấu hiệu không minh bạch trong việc cho thuê nhà, biến tài sản chung thành tài sản riêng. Tài sản được cấp sổ đỏ có nhiều uẩn khúc, khó hiểu.

Theo Giáo dục/ Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/giao-vien-nha-truong-ngoai-cong-lap-keu-cuu-vi-covid-19-d118672.html