Giới trẻ Hàn Quốc thích về quê sống chậm

28/09/2021 11:09

Kinhte&Xahoi Mệt mỏi với cuộc sống bạn rộn tại thành phố lớn, giới trẻ tại Hàn Quốc chọn sống chậm tại các vùng quê vào những ngày cuối tuần.

Sau một tuần làm việc bận rộn, Park So-yeon, 28 tuổi, là huấn luyện viên yoga, thường rời thành phố đến một ngôi nhà nằm gần núi Gyeryong ở tỉnh Chungcheong Nam, cách Seoul khoảng 140km về phía Tây Nam.

Ngôi nhà thuộc sở hữu của một người bạn cha mẹ cô. Tại đây, So-yeon thư giãn bằng cách tập yoga và làm một số việc vặt.

Park So-yeon thường về ngôi nhà ở gần núi Gyeryong vào những ngày tuần (Ảnh: Korea times)

Ngoài ra, cô cũng đến làm việc trong một trang trại gần nhà, nơi giúp khám phá lối sống nông thôn hoàn toàn khác với nhịp sống hối hả trong tuần.

“Đối với công việc là một huấn luyện viên yoga, tôi cần phải di chuyển nhiều để gặp gỡ các học viên. Tôi dễ bị căng thẳng và kiệt sức trên tàu điện ngầm đông đúc, vì thiếu không gian riêng”.

Vì vậy, So-yeon đã quyết định dành 5 ngày ở thành phố và hai ngày ở vùng quê để có được một cuộc sống cân bằng. Sự thay đổi này đã giúp cô có thêm năng lượng để cân bằng cuộc sống. Cô gái trẻ cho biết cô dự định sẽ tiếp tục duy trì cuộc sống như hiện tại.

“Sống ở thành phố, tôi có thể dễ dàng mua đồ ăn, gặp gỡ bạn bè và là thành viên của câu lạc bộ yoga ở Seoul. Tuy nhiên, tôi thường cảm thấy cuộc sống đô thị của mình còn thiếu một thứ gì đó và tôi muốn khám phá thiên nhiên”, cô nói.

Ngôi nhà mà So-yeon ở vào cuối tuần không có cửa hàng tiện lợi hay siêu thị gần đó.

Trước khi bắt đầu cuộc sống đi lại giữa thành thị và nông thôn như thế, vào năm ngoái, So-yeon đã đi du lịch khắp nơi để tìm lối thoát cho guồng quay cuộc sống luôn khiến cô căng thẳng và mệt mỏi. Việc tìm chỗ ở hợp lý cho mỗi chuyến đi cũng đòi hỏi sự đầu tư khá lớn về thời gian và sức lực.

Nhận ra đi du lịch chỉ là lối thoát tạm thời, So-yeon quyết định tìm kiếm một nơi có thể thư giãn vào cuối tuần. Địa điểm lý tưởng là không quá xa Seoul nhưng vẫn phải gần gũi với thiên nhiên.

Lối sống này thường được gọi là “5-do 2-chon” được hiểu là “5 ngày ở thành phố, 2 ngày ở nông thôn”. Trong tiếng Hàn, “do” là từ rút gọn của “dosi” có nghĩa là “thành phố” và “chon” có nghĩa là “làng” hoặc “khu vực nông thôn”.

Trước đây, cụm từ này được sử dụng chủ yếu bởi những người thành thị ở độ tuổi 50, người quan tâm đến việc chuyển về nông thôn sống và làm nông sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên hiện nay, lối sống “5-do 2-chon” đang ngày càng trở nên phổ biến với giới trẻ xứ sở kim chi.

Park So-yeon tự tay đi hái một ít rau củ gần nhà (Ảnh: Korea times)

Các chuyên gia cho rằng xu hướng sống này phản ánh việc giới trẻ ngày càng tìm cách tách biệt cuộc sống ra khỏi công việc nhằm nỗ lực lấy lại sự cân bằng.

Jeon Young-soo, Giáo sư nghiên cứu Kinh tế xã hội thế giới tại Đại học Hanyang, Hàn Quốc cho biết do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều công ty đã áp dụng hình thức làm việc từ xa và các công việc mới kết nối với nền kinh tế nền tảng cũng đã xuất hiện. Thông qua việc thay đổi công nghệ, mọi người giờ đây làm việc mà không cần gặp mặt trực tiếp. Do đó, cùng với sự chuyển đổi xã hội mọi người đã bắt đầu suy nghĩ theo những cách mới, chẳng hạn như sống và làm việc ở những nơi khác nhau.

Sống tại các thành phố lớn từ trước đến nay vốn rất được ưa chuộng tại xứ sở kim chi, bởi những cơ hội việc làm, hệ thống giáo dục mà nó mang lại, cũng như thực tế có nhiều tiện nghi sinh hoạt tiện lợi. Ngoài ra, định kiến cũ còn tồn tại rằng người trẻ sẽ gặp khó khăn nếu rời thành thị và cố sống ở nơi khác.

“Ngày nay, giá trị của con người đã thay đổi và thêm áp lực từ sự tăng trưởng kinh tế thấp, giới trẻ ngày càng nhận thức được rằng một cuộc sống khó khăn ở thành phố không phải là câu trả lời tốt nhất”, Giáo sư Jeon Young-soo giải thích.

Ông cũng cho rằng lối sống “5-do 2-chon” của thế hệ trẻ là sự phản ánh của sự chuyển đổi trong cách suy nghĩ, đồng thời là lựa chọn quan trọng để mọi người có nhiều nơi sống và làm việc.

“Hiện vẫn còn khá ít người muốn chuyển hẳn về nông thôn sau khi nghỉ việc ở thành phố. Thay vào đó, nhiều người chấp nhận lối sống di chuyển giữa thành phố và nông thôn hơn. Sự thay đổi này đã từng xảy trước đó song đại dịch đã làm nó trở nên phổ biến hơn”, ông Jeon Young-soo nhấn mạnh.

 Tuệ Uyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gioi-tre-han-quoc-thich-ve-que-song-cham-178787.html