Gỡ vướng mắc trong giao đất dịch vụ

25/05/2020 15:49

Kinhte&Xahoi Hiện Hà Nội vẫn còn 11.094 trường hợp chưa được giao đất dịch vụ, trong đó ngoài nguyên nhân vướng về cơ chế chính sách còn do quá trình thực hiện có sai phạm, một số dự án đất dịch vụ chưa được hoàn thiện hạ tầng... Tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc, bất cập để sớm hoàn thành công tác giao đất dịch vụ cho các hộ dân là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Được giao đất dịch vụ, nhiều hộ dân trên địa bàn phường Phú La (quận Hà Đông) đã xây nhà ở, ổn định cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Chính

Nhiều dạng vướng mắc

Theo thống kê của các quận, huyện, thị xã, tổng nhu cầu đất dịch vụ toàn thành phố là 51.566 hộ, tương ứng 539,612ha đất. Đến nay, các địa phương đã giao đất dịch vụ cho 40.472 hộ với tổng diện tích 361,59ha đất. Hiện có 14/20 quận, huyện, thị xã đạt kết quả giao đất dịch vụ 80%-100%. Những địa phương đạt thấp là quận Hà Đông và các huyện: Mê Linh, Hoài Đức, Thanh Oai... Nguyên nhân do các hộ có diện tích nhỏ lẻ phải chờ ghép thửa; một số hộ đã chuyển nhượng trước gây khó khăn trong quá trình giao đất; vướng mắc về cơ chế, chính sách...

Tại huyện Mê Linh, nhu cầu giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi từ năm 1993 đến tháng 1-2008 là 8.038 hộ, tương ứng 26,68ha đất. Tuy nhiên, đến nay, huyện Mê Linh vẫn còn 7.323 hộ chưa được giao đất dịch vụ, do vướng mắc cơ chế, chính sách. Ông Trương Xuân Viện (tổ dân phố 7, thị trấn Quang Minh) chia sẻ: "Gia đình tôi bị thu hồi 1,3 mẫu đất sản xuất nông nghiệp từ năm 2004, nhưng do gặp vướng mắc về chính sách nên đến nay chưa được nhận 120m2 đất dịch vụ. Gia đình tôi rất mong sớm được nhận phần diện tích này để có hướng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống".

Trong khi đó, huyện Hoài Đức còn 1.308 hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, bị thu hồi diện tích đất vượt 1.500m2 (theo quy định mỗi hộ chỉ được cấp đất dịch vụ bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng không quá 150m2) chưa được giao đất dịch vụ.

Còn tại địa bàn quận Hà Đông có 27.139 trường hợp được hưởng đất dịch vụ, đã xét duyệt 26.347 trường hợp và ban hành quyết định giao đất cho 18.528 trường hợp. Tuy nhiên, có 10.190 trường hợp giao đất không đúng quy định (1 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp tách ra thành nhiều hộ để được xét, giao đất dịch vụ). Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Trên cơ sở thanh tra, kiểm tra cho thấy, quận Hà Đông thực hiện giao đất dịch vụ chưa đúng quy định, vì vậy việc này đang phải tạm dừng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng, để giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách trong giao đất dịch vụ trên địa bàn, huyện đã báo cáo đề xuất và tháng 5-2020, UBND thành phố Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Mê Linh giao đất dịch vụ cho các hộ, hoặc hỗ trợ bằng 5 lần giá đất nông nghiệp tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp, trừ đi số tiền các hộ đã nhận trước đây.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh thông tin: Huyện đang giao các đơn vị chức năng rà soát hồ sơ xét đất dịch vụ của các hộ bị thu hồi đất vượt 1.500m2, phân tích tổng hợp thành 2 nhóm: Những trường hợp đã chia, tách cụ thể và chưa có hồ sơ chia tách trước thời điểm thu hồi đất, để đề nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận chính sách giao đất dịch vụ.

Đối với công tác giao đất dịch vụ tại quận Hà Đông, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp, rà soát, làm rõ vướng mắc, tồn tại, xác định sai phạm để xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân vi phạm, đồng thời có biện pháp khắc phục hậu quả…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết: Quận Hà Đông nhận kiểm điểm trách nhiệm đối với việc xét giao đất dịch vụ chưa đúng với Quyết định số   1098/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây trước đây. Hiện nay, nhiều trường hợp được giao đất dịch vụ sai quy định đã xây nhà để ở, kinh doanh, chuyển nhượng hoặc thế chấp để vay vốn… nên việc khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố, tại buổi làm việc của lãnh đạo thành phố Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành chức năng ngày 23-5, cùng với việc kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn đang đặt ra, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã đề xuất thành phố chỉ đạo các địa phương giao ngay đất dịch vụ cho những hộ đủ điều kiện tại các dự án đã hoàn thiện hạ tầng, góp phần đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Cũng tại buổi làm việc trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Thanh Khuyến cho biết, Bộ đang tích cực phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tìm hướng giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Điện Biên: Tỉnh đoàn lập hồ sơ khống trong dự án hỗ trợ người nghèo

Mới đây, Báo PLVN nhận được đơn thư của một số người dân phản ánh về việc Tỉnh đoàn Điện Biên lập biên bản nghiệm thu, bàn giao, quyết toán khối lượng trước khi công trình được thi công. Đáng nói, việc lập hồ sơ giả của đơn vị này lại xảy ra trong một dự án mang tính nhân đạo.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Bat-dong-san/968290/go-vuong-mac-trong-giao-dat-dich-vu?fbclid=IwAR2Pjnmv8bZ0Ydk47wqoKS2cx2VMYzDb3vhoLg56r4jKzZT1mPPmgQw7dno