Góp ý vào Dự thảo Luật lực lượng dự bị động viên: Bảo đảm quyền lợi cho quân nhân dự bị

30/05/2019 10:01

Kinhte&Xahoi Xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV) nhằm xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, có chất lượng cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Lực lượng dự bị động viên tham gia thực binh trong diễn tập khu vực phòng thủ huyện Châu Thành năm 2018. Ảnh: Đặng Thạch

Sửa đổi những bất cập của Pháp lệnh Lực lượng DBĐV

Chiều 28/5, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự án Luật Lực lượng DBĐV và sau đó thảo luận tại tổ về nội dung này. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng DBĐV, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng DBĐV.

Theo đó, Pháp lệnh về lực lượng DBĐV ra đời và có hiệu lực vào năm 1996. Sau hơn 20 năm thực hiện, một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV như: Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ. Nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa. 

Quá trình thực thi Pháp lệnh về lực lượng DBĐV trên phạm vi cả nước đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nổi bật là: Nguồn quân nhân dự bị tuy nhiều nhưng phân bố không đều; việc tổ chức các đơn vị DBĐV gặp khó khăn do chất lượng chuyên nghiệp quân sự của quân nhân dự bị đạt thấp; sĩ quan dự bị thiếu so với yêu cầu do đầu vào hạn chế; chất lượng sĩ quan dự bị thấp, chủ yếu là đào tạo từ hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ, thời gian đào tạo ngắn, việc đào tạo, bổ túc, theo chức vụ chưa làm thường xuyên nên năng lực chỉ huy, huấn luyện, quản lý đơn vị DBĐV còn hạn chế. 

Ảnh minh hoạ.

Chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị quy định trong Pháp lệnh không phù hợp với thực tế mặt bằng thu nhập chung của xã hội, chưa bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng được hưởng trong cùng hoàn cảnh... Do đó, việc nâng Pháp lệnh thành Luật Lực lượng DBĐV tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là điều cần thiết.

Bảo đảm quyền lợi cho quân nhân dự bị 

Dự thảo Luật Lực lượng DBĐV gồm 5 chương, 47 điều. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, quân nhân dự bị làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhất là trong các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, khi huy động vào lực lượng huấn luyện sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sự không bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, làm giảm thu nhập, thậm chí làm mất cơ hội có việc làm của người được huy động. 

Thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp được thực hiện theo dây chuyền, các doanh nghiệp thường không có lực lượng lao động dự bị nên khi người lao động trong các doanh nghiệp được huy động đi thực hiện nhiệm vụ DBĐV, các doanh nghiệp sẽ phải tìm lao động mới để bảo đảm dây chuyền sản xuất không bị đình trệ. Người lao động có khi được đồng ý cho đi thực hiện nhiệm vụ DBĐV, nhưng khi về có thể sẽ bị mất việc làm do đã có người thay thế.

Do đó, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm quyền lợi cho người lao động thuộc đối tượng là DBĐV tại các doanh nghiệp, nhất là tính ràng buộc để bảo đảm việc làm, tiếp tục bố trí ổn định cũng như bảo đảm tiền lương, tiền thưởng sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ DBĐV.

Ảnh minh hoạ.

Về chế độ phụ cấp cho gia đình quân nhân dự bị (Điều 34), có ý kiến đề nghị nên cân nhắc và có báo cáo đánh giá tác động vì tuy số tiền không nhiều nhưng sẽ tạo ra một quy định là cứ huy động thì phải có tiền, trong khi đây là một nghĩa vụ thiêng liêng. Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại cho rằng, quân nhân dự bị là lao động chính trong gia đình, do đó trong thời gian huy động họ tham gia huấn luyện (mất cả tháng), thì cũng cần có phụ cấp để đảm bảo cho đời sống của gia đình họ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang) đề xuất: “Cần giải quyết chính sách cho quân nhân dự bị để họ bảo đảm cuộc sống trong thời gian thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn khó khăn với nhiều địa phương, nhất là các địa phương thu ngân sách còn thấp. Vì vậy, dự thảo luật cần phân định rõ nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác này”. 

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, quy định về quản lý và huy động phương tiện kỹ thuật trong dự thảo Luật là không rõ ràng và khó khả thi trong điều kiện nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu khác nhau; việc đăng ký, quản lý, sắp xếp, huy động phương tiện kỹ thuật làm hạn chế quyền về tài sản của cá nhân, tổ chức đã được Hiến pháp bảo hộ, nên đề nghị nghiên cứu việc huy động phương tiện kỹ thuật phải thực hiện theo Điều 32 Hiến pháp và các quy định có liên quan của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Quốc phòng… để bảo đảm sự bình đẳng về quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể có tài sản phải huy động.

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bất thường trong báo cáo đại hội cổ đông Công ty CP Dược - Vật tư Y tế Thanh Hóa?

Theo các cổ đông tại CP Dược - Vật tư Y tế (Cty DVTYT) Thanh Hóa, từ khi thành lập và sau hơn 10 năm cổ phần hóa, Cty luôn được vinh dự là “lá cờ đầu trong xây dựng và phát triển” với những đóng góp về kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho lao động ở địa phương. Nhưng từ cuối năm 2017, khi ông Trần Thanh Minh đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT, hoạt động kinh doanh sản xuất của Cty bắt đầu đi xuống.