Hà Nội: 44 doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa dịp cuối năm

28/10/2022 09:41

Kinhte&Xahoi Đại diện Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, hiện nay đã có 44 doanh nghiệp trên địa bàn cam kết bình ổn giá hàng hoá dịp tết, tập trung chủ yếu vào gạo, thịt lợn, thuỷ hải sản.

Liên quan đến công tác bình ổn giá cả dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đại diện Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, hiện nay đã có 44 doanh nghiệp trên địa bàn cam kết bình ổn giá hàng hoá dịp tết, tập trung chủ yếu vào gạo, thịt lợn, thuỷ hải sản. Tổng mức dự trữ hàng hoá của các doanh nghiệp đã tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội, hàng hoá bình ổn chiếm 35% trong tổng lượng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân; Có 1.000 tỷ đồng đang được kết nối vay vốn với giá ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường với sự tham gia của 7 ngân hàng thương mại.

Sở Công thương TP Hà Nội cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ hàng hoá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, dịp cuối năm sức mua tăng 20 - 30% vì vậy phải nắm nhu cầu thị trường từ đó chuẩn bị cả số lượng, chất lượng và đặc biệt phải nâng cao thương hiệu bán lẻ.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 25/10/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng năm 2022 và định hướng các tháng cuối năm 2022.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá.

Cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; Giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Bám sát chỉ đạo, TP Hà Nội đã lên kế hoạch sản xuất hàng hoá tết, cân đối chi phí, nhằm đảm bảo không có biến động giá cả trên thị trường.

 Hưng Khánh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-44-doanh-nghiep-cam-ket-binh-on-gia-hang-hoa-dip-cuoi-nam-209126.html