Hà Nội: Các địa phương chủ động kế hoạch cho học sinh trở lại trường học trực tiếp

25/03/2022 19:11

Kinhte&Xahoi Ngày 25-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các đơn vị, địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 3 vào ngày 31-3

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, trong kỳ báo cáo (từ ngày 18 đến 24-3) trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 123.134 ca mắc, 28 trường hợp tử vong; trung bình ghi nhận 17.591 ca bệnh/ngày, giảm 39,3% so với kỳ báo cáo trước.

Theo nhận định của Sở Y tế, thành phố Hà Nội đã bước qua đỉnh dịch, nhưng không được phép chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và theo dõi diễn biến trong thời gian tới.

Do số ca F0 trên thực tế vẫn cao, nên Sở Y tế đề nghị các địa phương tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch như kiểm soát chuyển tầng điều trị, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống; đồng thời chủ động thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đến nay, tổng số mũi vắc xin Hà Nội đã tiêm được là 16.351.353 mũi. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm được là 242.817 mũi; tổng số mũi nhắc lại đã tiêm là 3.898.042 mũi. Thành phố đang quản lý, điều trị cho 264.820 bệnh nhân ở tầng 1 (nhẹ, không triệu chứng), tỷ lệ 99,34%; 1.404 bệnh nhân ở tầng 2 (triệu chứng trung bình), tỷ lệ 0,53%; 345 bệnh nhân ở tầng 3 (nặng, nguy kịch), tỷ lệ 0,13%.

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Vì… đã báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong tuần qua. Trong đó, các địa phương cho biết sẽ cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 3 bổ sung cho người dân trên địa bàn vào ngày 31-3.

Cũng theo báo cáo của các địa phương thì số ca F0 trên địa bàn giảm mạnh; công tác hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân điều trị tại nhà cùng với việc bảo đảm cho học sinh đi học trực tiếp tại trường vẫn được triển khai hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo chung của thành phố. Công tác thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà được phân loại xử lý đúng quy định.

Giải quyết chế độ nghỉ ốm cho hơn 49 nghìn lượt F0

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa cho biết, đến nay công tác phòng, chống dịch tại các trường đã đi vào nền nếp. Số cán bộ, giáo viên, học sinh có yếu tố dịch tễ tiếp tục giảm; số học sinh đi học trực tiếp tăng lên nhiều. Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của thành phố, Sở cũng đã có văn bản về việc triển khai thích ứng linh hoạt phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 trong việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các khối lớp 7-12 trên địa bàn thành phố.

Thông tin về phần mềm liên thông hỗ trợ thủ tục hành chính cho F0 điều trị tại nhà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, đến nay các phiếu mẫu gồm: Phiếu xét nghiệm, đơn thuốc ngoại trú, giấy xác nhận hoàn thành điều trị, giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được đơn vị phát triển phần mềm hoàn thành. Trong hai ngày 23 và 24-3, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế để chuẩn bị triển khai thực hiện giai đoạn I trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết, tuần qua đơn vị tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan để giải quyết hơn 61.000 lượt lao động bị F0 đến giải quyết chế độ nghỉ ốm, trong đó đã xử lý được hơn 49.000 lượt người với hơn 59 tỷ đồng và số còn lại chưa giải quyết được do thiếu hồ sơ.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố.

Chủ động cho học sinh trở lại trường

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, trong tuần qua số ca F0 trên đã giảm mạnh so với kỳ báo cáo trước. Số bệnh nhân nhẹ không triệu chứng chiếm tỷ lệ 99,34%; bệnh nhân triệu chứng trung bình chiếm tỷ lệ 0,53%; chỉ có 0,13% bệnh nhân là nặng, nguy kịch, số ca tử vong giảm. Điều đó cho thấy thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19; thành phố tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ người dân giải quyết các thủ tục liên quan đến thanh toán bảo hiểm xã hội nghỉ ốm do mắc Covid-19 nhanh chóng và thuận lợi.

Nhấn mạnh thời gian tới tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch, trong đó tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là phải đeo khẩu trang 100%.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm nguyên tắc “4 tại chỗ”; tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn; tiếp tục rà soát và kiện toàn, bổ sung lại các Tổ theo dõi, hỗ trợ người nhiễm Covid-19 tại nhà và Tổ Covid-19 cộng đồng để hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà trên địa bàn kịp thời và thực chất.

Đồng chí Chử Xuân Dũng cũng lưu ý các địa phương tiếp tục bảo vệ nhóm người thuộc nguy cơ cao; kiểm soát chặt số ca F0 chuyển nặng và hạn chế số ca tử vong. Do tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 của thành phố đạt khoảng 85%, vì thế Sở Y tế cần đôn đốc các địa phương rà soát các trường hợp chưa tiêm để hoàn thành tiến độ trong thời gian sớm nhất.

Đối với vấn đề cho học sinh trên địa bàn thành phố đi học trở lại, đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có hướng dẫn cụ thể các địa phương chủ động hơn nữa trong công tác bảo đảm phòng, chống dịch cho học sinh từ lớp 7 đến 12 học trực tiếp tại trường. Về việc tổ chức bán trú, thành phố thống nhất chủ trương giao Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét bảo đảm phù hợp tình hình thực tế trong công tác phòng, chống dịch hiện nay và điều kiện cụ thể của từng địa phương, trường, lớp, được sự đồng thuận của gia đình, phụ huynh học sinh.

Liên quan tới việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai phần mềm hỗ trợ F0, Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, sớm triển khai thuận lợi cho người dân. Các đơn vị trong phạm vi của mình tiếp tục đề xuất cải tiến, hỗ trợ các địa phương, tránh xảy ra sai sót sau này khi đưa vào vận hành.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương, Công an thành phố, Sở Y tế tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch, đặc biệt kiểm tra, xử lý hành vi đầu cơ tăng giá thuốc, vật tư y tế hỗ trợ, điều trị Covid-19, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Các công việc đã thực hiện cần tiếp tục duy trì, siết chặt, không để lây lan, mất kiểm soát về tình hình dịch”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

 Đình Hiệp - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1027852/ha-noi-cac-dia-phuong-chu-dong-ke-hoach-cho-hoc-sinh-tro-lai-truong-hoc-truc-tiep