Hà Nội: Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội tiếp tục đến với các đối tượng khó khăn

01/11/2021 14:56

Kinhte&Xahoi Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở, từ đầu tháng 7/2021 đến nay, các chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố Hà Nội tiếp tục được triển khai sâu rộng giúp người dân, doanh nghiệp ở Hà Nội vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19, ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 7/2021 đến cuối ngày 31/10, toàn thành phố đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố Hà Nội và huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ tiền mặt và cho các đối tượng vay với tổng kinh phí 3.100,641 tỷ đồng.

Trong số kinh phí nói trên, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 2.693,627 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 407,013 tỷ đồng.

Chi trả chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội cho đối tượng thụ hưởng tại huyện Gia Lâm

Cụ thể, về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 1,823 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với kinh phí 1.028,971 tỷ đồng, trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho trên 1,789 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 959,042 tỷ đồng.

11/ 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đã được Thành phố phê duyệt quyết định và thực hiện hỗ trợ, còn 1 nhóm chưa có kết quả phê duyệt hỗ trợ do chưa nhận được hồ sơ của đối tượng là nhóm "Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động".

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Thành phố, tính đến nay, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã chi trả cho 549.292 người lao động, với tổng số tiền 1.365 tỷ đồng.

Chi hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động khó khăn tại quận Ba Đình

Về kết quả thực hiện chính sách đặc thù cho các đối tượng quy định tại Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố, đến chiều ngày 31/10, Thành phố đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 08/08 nhóm đối tượng. Các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 290.220 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là 299,655 tỷ đồng, đã tổ chức chi trả cho 289.460 đối tượng với kinh phí 298,456 tỷ đồng.

Cùng với triển khai các chính sách nói trên, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã trích kinh phí 89,274 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 để quyết định hỗ trợ cho 175.117 người khó khăn (bao gồm cả một số người nước ngoài khó khăn đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội). Trong đó, đã thực hiện hỗ trợ được 105.977 người khó khăn với số tiền 54,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, với tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái", từ khi thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 đến nay, các tổ chức chính trị, xã hội Thành phố (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Bộ Tư lệnh Thủ đô; các cấp Công đoàn Thành phố; Thành đoàn Hà Nội; Hội Chữ thập đỏ; Hội Cựu chiến bính; Hội Nông dân; Hội Liên hiệp phụ nữ) và một số quận, huyện, thị xã cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức hỗ trợ cho 1,07 triệu lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 317,739 tỷ đồng.

Chi hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động khó khăn tại quận Hà Đông

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây nhiều tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội và tình hình sản xuất kinh doanh của nhân dân trên địa bàn Hà Nội. Nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, phải thu hẹp quy mô hoặc tạm dừng sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động; một số ngành nghề kinh doanh dịch vụ phải tạm đóng cửa, dừng hoạt động theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19...

Trước thực trạng đó, Thành phố đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, người lao động, hộ kinh doanh và các thành phần kinh tế khác đứng vững, ổn định cuộc sống, giảm thiểu tiêu cực có thể phát sinh.

Điển hình là ngày 26/8/2021, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 4026/QĐ-UBND bổ sung 500 tỷ đồng để cho người lao động trên địa bàn Thành phố vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thưc hiện chính sách này, tính đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố đã thực hiện cho 9.886 lao động vay vốn với số tiền 476,55 tỷ đồng.

 Phạm Diệp - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://laodongthudo.vn/ha-noi-chinh-sach-ho-tro-an-sinh-xa-hoi-tiep-tuc-den-voi-cac-doi-tuong-kho-khan-132150.html?fbclid=IwAR3Z_Kwxze6mp8zCrQPw0F76XjdbFIK4f-hVD3UJZGwGZCwz7HwJBhGu1iw