Hà Nội có số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh: Thích ứng linh hoạt, nhưng không chủ quan

18/02/2022 15:06

Kinhte&Xahoi Những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 (F0) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng mạnh với gần 4.000 F0/ngày. Điều này khiến người dân không khỏi lo ngại, nhất là khi học sinh, sinh viên từng bước trở lại trường học. Trước diễn biến phức tạp này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương cần chủ động thích ứng linh hoạt nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Lực lượng chức năng tuần tra, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phường Hàng Bột (quận Đống Đa). Ảnh: Quang Thái

Nhiều địa phương trở thành “điểm nóng”

Số liệu từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, chỉ trong ngày 15-2, huyện Đông Anh đã ghi nhận 310 F0 tại 24 xã, thị trấn và lũy tích từ ngày 9-12-2021 đến nay là 20.003 ca. Lý giải việc này, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, việc học sinh quay trở lại trường học cùng với mở lại các điểm di tích, đình, đền chùa trên địa bàn khiến nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm tăng. Trong khi đó, thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện tốt cho dịch bệnh phát triển...

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, trong 7 ngày Tết Nguyên đán, số ca nhiễm trên địa bàn có xu hướng giảm 50%, song sau Tết đã tăng đột biến với 300-500 ca/ngày, đặc biệt ngày 14-2 lên tới 951 ca. Từ thực tế tại địa phương cho thấy, người nhiễm Covid-19 đã được tiêm 2 mũi vắc xin chiếm 70%, trẻ em 20%, người tiêm 3 mũi vắc xin vẫn có thể nhiễm bệnh. “Nguyên nhân là do các hoạt động giao thương kinh tế - xã hội trở lại bình thường và sau Tết Nguyên đán người dân từ các tỉnh trở lại Hà Nội, mầm bệnh đã ngấm sâu, tồn tại trong cộng đồng và trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm”, ông Trần Thanh Long lý giải.

Là địa bàn có di biến động dân cư lớn nên thời gian qua, quận Hai Bà Trưng cũng là một trong những địa phương có số F0 tăng cao. Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, trên địa bàn quận có nhiều trường đại học, chung cư cao tầng với mật độ dân cư tập trung cao cùng với các cơ quan, công sở. Việc sinh viên từ các tỉnh trở lại Hà Nội học tập, rồi người lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc sau Tết cùng với các hoạt động thiết yếu dần được mở lại là nguyên nhân khiến số người nhiễm tăng nhanh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, sau kỳ nghỉ Tết ghi nhận số mắc Covid-19 tăng cao khi Hà Nội mở cửa lại một số dịch vụ, ngành nghề và trường học. Tuy nhiên theo đánh giá thì công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố vẫn bảo đảm khi tỷ lệ bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong vẫn trong tầm kiểm soát.

Ý thức người dân là yếu tố quan trọng

Dự báo thời gian tới tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp khi mở cửa trở lại hoạt động vận tải, du lịch, giáo dục, giao thương quốc tế..., Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Đỗ Phương Nga thông tin, thời gian tới phường sẽ tập trung kiểm tra, rà soát công tác phòng, chống dịch ở địa điểm tập trung đông người; hỗ trợ F0 điều trị tại nhà khi cần chuyển tuyến… Còn Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh chia sẻ, Đông Anh tập trung nâng cao năng lực thu dung, điều trị F0 tại trạm y tế lưu động; quản lý, chăm sóc F0 tại nhà và các điểm thu dung, điều trị F0. Ngoài ra, toàn bộ 6 phòng khám đa khoa ngoài công lập trên địa bàn sẽ phối hợp cùng các xã, thị trấn theo dõi điều trị F0 tại nhà, tại trạm y tế lưu động. Các nhà thuốc phối hợp theo dõi, hướng dẫn sử dụng thuốc, thông tin tình hình F0 điều trị tại nhà tới trạm y tế lưu động.

Cùng với việc phát hiện F0, thực hiện phân tầng điều trị, chuyển tuyến kịp thời, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, quận sẽ tập trung bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Đồng thời, hoàn thành tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ 12-17 tuổi và triển khai tiêm liều bổ sung, nhắc lại (mũi 3) cho người trên 18 tuổi bảo đảm tiến độ; tổ chức tiêm vét cho toàn bộ người có bệnh nền, cao tuổi tại nhà.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai, Trưởng Tiểu ban Truyền thông - Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cho rằng, các cơ quan báo chí cũng như các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đúng của người dân. Bởi trạng thái thích ứng linh hoạt không có nghĩa dịch bệnh đã hết nên ý thức của người dân và khả năng điều trị của ngành Y tế là yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. 

 Đình Hiệp - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngang nhiên xây tường rào bít mặt tiền, cổng nhà hàng xóm?

Bức tường cao 2m, dài 7m chình ình ngay trước mặt tiền ngôi nhà của người dân tại ngách 52/28 Tô Ngọc Vân, P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý. Vụ việc kéo dài khiến người dân chật vật đi lại không thể dọn đến nơi ở mới, gây bất bình dư luận.

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1025017/ha-noi-co-so-ca-nhiem-covid-19-tang-manh-thich-ung-linh-hoat-nhung-khong-chu-quan