Hà Nội: Giải pháp kép nâng giá trị sản phẩm OCOP

08/01/2022 17:48

Kinhte&Xahoi Cùng với việc đẩy mạnh phát triển số lượng sản phẩm OCOP, Hà Nội đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại để gỡ khó đầu ra cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh.

Hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trườg, năm 2021, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã triển khai kế hoạch hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn cho các sản phẩm OCOP.

Đến nay, TP đã hỗ trợ xây dựng quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP cho 15 chủ thể đã được TP đánh giá phân hạng; đồng thời, hỗ trợ in tem, nhãn (bao gồm thiết kế và in) cho 753 sản phẩm.

Sản phẩm củ cải trắng đạt 4 sao OCOP của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Trên cơ sở kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2019-2020, UBND TP đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành tiến hành kiểm tra 41 chủ thể với 334 sản phẩm OCOP của 18 huyện, thị xã. Việc giám sát được thực hiện nghiêm túc, với sự tham gia của đại diện nhiều sở, ban ngành của Hà Nội nhằm bảo đảm khách quan. 

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, TP phấn đấu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% tổng số sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Trong quá trình kiểm tra, các thành viên đoàn đã góp ý giúp các chủ thể khắc phục những tồn tại hạn chế trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bao bì, nhãn mác, chứng nhận bảo hộ sản phẩm… Đồng thời, tiến hành lựa chọn, lấy mẫu một số sản phẩm để phân tích kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ tiêu về dinh dưỡng để kiểm tra các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP. Đây được xem là giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm OCOP của Hà Nội.

Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mơi Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, cùng với quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm OCOP, TP cũng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp xúc tiến thương mại. Mục tiêu hướng đến nhằm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn trong tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại một sự kiện quảng bá tổ chức tại TP Hà Nội trong năm 2021.

Trong năm 2021, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Có thể kể tới “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”; Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021- Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn; mô hình thí điểm “Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền” trên nền tảng kỹ thuật số của Chợ đêm trên mây vào thứ 6 hàng tuần…

Hà Nội cũng đã tổ chức thành công 4 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tư vấn giới thiệu và bán hàng online, offline các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền năm 2021 với thời gian 5 ngày/1 tuần hàng tại các Trung tâm thương mại trên địa bàn 4 quận nội thành: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy. Tổ chức 2 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền. Hỗ trợ chủ thể tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại ngày Hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu…

Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, TP phấn đấu tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm mới dự thi mỗi năm. Hiện, kế hoạch của năm 2021 cơ bản đạt và nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu đề ra.

Để đạt được mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Văn Chí đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn hiệu lực phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP.

Cùng với nâng chất sản phẩm, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng cho biết TP sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... Phấn đấu xây dựng sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, TP phấn đấu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% tổng số sản phẩm tiềm năng 5 sao.
 

 Trọng Tùng - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-giai-phap-kep-nang-gia-tri-san-pham-ocop.html