Hà Nội: Kiểm tra, giám sát bảo đảm vốn tín dụng chính sách sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả

18/05/2022 20:10

Kinhte&Xahoi Ngày 18/5, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng; đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Ngay từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những giải pháp trọng điểm là hỗ trợ vốn tín dụng chính sách cho người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023. Thành phố cũng đã giao Chi nhánh NHCSXH thành phố phối hợp các sở, ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội và tham mưu UBND ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua NHCSXH với những ưu đãi về điều kiện, thủ tục, mức vay, lãi suất cho vay...

UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao thực hiện tại Nghị quyết, như: Chỉ đạo công tác tuyên truyền, rà soát và tổng hợp nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận hộ có mức sống trung bình để tiếp cận được vốn tín dụng chính sách…

Thành phố cũng đã kịp thời phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cho vay đến các địa bàn để tổ chức giải ngân. Chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP địa bàn Hà Nội được phân bổ là 206,3 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 51,71 tỷ đồng cho 924 khách hàng vay vốn; Chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá nhu cầu vay vốn để phục hồi phát triển kinh tế của cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn, qua đó làm cơ sở báo cáo, tham mưu HĐND, UBND thành phố cân đối ngân sách bố trí vốn khoảng 1.000 tỷ đồng chuyển bổ sung qua Chi nhánh NHCSXH thành phố triển khai giải ngân đến đối tượng thụ hưởng theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Ngoài ra, UBND thành phố tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan liên quan quan tâm gắn tín dụng chính sách xã hội với các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo NHCSXH thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng đã và đang triển khai trên địa bàn; thường xuyên quan tâm triển khai có chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn tín dụng chính sách sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao việc Hội đồng quản trị NHCSXH đã chuẩn bị và tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Nghị quyết số 11/NQ-CP quy định rất chi tiết về mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp; Đặc biệt là việc tổ chức thực hiện cũng được giao cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan. Với việc giao nhiệm vụ cụ thể, có thời hạn, có kiểm tra, kiểm soát, chúng ta thực hiện tương đối tốt nhiều chính sách, nhiều gói hỗ trợ. Cụ thể, Nghị quyết đưa ra 5 nhóm giải pháp, tổng kinh phí khoảng 347.000 tỷ đồng, đến nay đã cho những kết quả đáng ghi nhận.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các khoản cho vay kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các bộ, ngành, địa phương phản ánh kịp thời để có biện pháp tháo gỡ, nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Về các giải pháp giải ngân trong thời gian tới, bày tỏ đồng tình với báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai vấn đề. Trước hết, sớm có hướng dẫn ưu đãi đối với các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với NHCSXH triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho NHCSXH để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong triển khai các chính sách an sinh.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-kiem-tra-giam-sat-bao-dam-von-tin-dung-chinh-sach-su-dung-dung-muc-dich-phat-huy-hieu-qua-196791.html