Hà Nội: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ 5 huyện phát triển thành quận đúng lộ trình

02/06/2022 19:34

Kinhte&Xahoi Sáng 2-6, Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo thành phố) đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo của các huyện về kết quả thực hiện xây dựng 5 huyện thành quận.

Quang cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố.

Tham dự có các Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền. Cùng dự còn có lãnh đạo một số sở, ngành thành phố và 5 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì.

Nỗ lực hoàn thiện 27 tiêu chí xây dựng huyện thành quận

Báo cáo của 5 huyện cho thấy, với 27 tiêu chí xây dựng huyện thành quận, huyện Đan Phượng đạt 21 tiêu chí; huyện Đông Anh đạt 26 tiêu chí, tăng thêm 5 tiêu chí đạt so với thời điểm báo cáo cuối năm 2021. Trong khi đó, huyện Gia Lâm đạt 25 tiêu chí; huyện Hoài Đức đạt 22 tiêu chí; huyện Thanh Trì đạt 24 tiêu chí.

Với 15 tiêu chí xã thành phường, huyện Gia Lâm đạt 9 tiêu chí (20/22 xã, thị trấn chưa đạt); huyện Thanh Trì đạt 10 tiêu chí (16/16 xã, thị trấn chưa đạt); huyện Đan Phượng đạt 6 tiêu chí (16/16 xã, thị trấn chưa đạt); huyện Đông Anh đạt 13 tiêu chí (10/24 xã, thị trấn chưa đạt); huyện Hoài Đức đạt 7 tiêu chí (19/20 xã, thị trấn chưa đạt).

Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới, các huyện đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành các tiêu chí còn lại. Trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ đến hết năm 2021, các huyện đã xây dựng và đề xuất lộ trình hoàn thành Đề án xây dựng huyện thành quận. Cụ thể, huyện Đông Anh phấn đấu hoàn thành đề án trong năm 2022; huyện Gia Lâm và huyện Hoài Đức phấn đấu hoàn thành năm 2023; huyện Thanh Trì phấn đấu hoàn thành năm 2024 và huyện Đan Phượng phấn đấu hoàn thành năm 2025.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh phát biểu tại hội nghị.

Lãnh đạo 5 huyện cũng kiến nghị thành phố đầu tư hệ thống giao thông; hướng dẫn tiêu chuẩn của siêu thị mini; tính toán lại tiêu chí tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật. Cùng với đó là hướng dẫn thực hiện các tiêu chí: Mật độ đường giao thông đô thị; diện tích giao thông trên dân số; mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, du lịch trong cơ cấu kinh tế; tỷ lệ lao động phi nông nghiêp.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo), cả 5 huyện đều đã xây dựng lộ trình và dự kiến thời gian hoàn thành từ năm 2022 đến 2025. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế, đánh giá của các sở chuyên ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đến năm 2025 sẽ có 2 huyện có khả năng hoàn thành đề án là huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm. Qua đó, Sở đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố xem xét, điều chỉnh lộ trình thực hiện đề án của 5 huyện như sau: Huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025; 3 huyện còn lại rà soát, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét điều chỉnh giãn tiến độ với lộ trình phù hợp...

Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nêu nhiều ý kiến nhằm hỗ trợ các huyện hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các tiêu chí; đồng thời xây dựng lộ trình chi tiết, giải pháp thực hiện cụ thể để đạt các tiêu chí còn chưa đạt được...  

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.

Rà soát những vướng mắc để kịp thời tháo gỡ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định rõ mục tiêu xây dựng 5 huyện thành quận. Đặc biệt, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai mục tiêu phát triển Thủ đô.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá, thời gian qua, Ban Chỉ đạo thành phố đã phân cấp nhiệm vụ cho 5 huyện để nỗ lực phát triển lên quận. Về phía các huyện cũng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong quá trình thực hiện.

Với những khó khăn còn tồn tại, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đơn vị có liên quan cần căn cứ thực tế triển khai để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Về phía các sở, ngành thành phố cũng đều thống nhất hỗ trợ các huyện triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được thành phố giao. Qua đó, từng đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo cần về làm việc với các huyện nhằm xây dựng báo cáo cụ thể lộ trình thực hiện xây dựng huyện lên quận. Với những kiến nghị, đề xuất của các huyện, cần rà soát cụ thể từng vấn đề để hỗ trợ kịp thời. Trong trường hợp cần thiết, cần báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy kiện toàn nhân sự để Ban Chỉ đạo có đủ sức mạnh thực hiện việc xây dựng 5 huyện thành quận.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố đánh giá, với ý thức chính trị cao, thời gian qua, các huyện đã tích cực hoàn thiện các tiêu chí để phát triển thành quận và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị 5 huyện và các sở, ngành hoàn thiện báo cáo chi tiết gửi Ban Chỉ đạo thành phố trong tháng 6-2022. Cùng với đó, cần làm rõ trách nhiệm của từng huyện và sở, ngành trong việc triển khai thực hiện các đầu việc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh theo từng nhóm vấn đề cụ thể.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các huyện thống kê những vấn đề cần xin chủ trương để báo cáo Thành ủy kịp thời xem xét, qua đó hỗ trợ 5 huyện hoàn thành việc phát triển thành quận theo đúng lộ trình.

 Hương Ly - Ảnh: Quang Thái - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1033630/ha-noi-kip-thoi-thao-go-kho-khan-ho-tro-5-huyen-phat-trien-thanh-quan-dung-lo-trinh