Hà Nội: Lập đoàn kiểm tra công vụ, tổ chức hội nghị đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

18/02/2022 16:15

Kinhte&Xahoi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần lập đoàn kiểm tra công vụ theo hình thức đột xuất, tái kiểm tra việc thực hiện kết luận được chỉ ra từ lần kiểm tra trước. Cùng với đó, các quận, huyện tổ chức hội nghị đối thoại với người dân, tổ chức và doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan tới giải quyết công việc thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị

Ngày 18/2, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai công tác cải cách hành chính năm 2022.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS), giai đoạn 2021-2025.

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị, giúp bộ máy chính quyền gọn nhẹ hơn

 Báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính năm 2021, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, thời gian qua, mặc dù phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác cải cách hành chính của thành phố đã đạt một số kết quả tích cực, nổi bật.

Thành phố đã rà soát 550 thủ tục hành chính và thông qua phương án đơn giản hóa 177 thủ tục hành chính, phê duyệt 1.754 quy trình giải quyết nội bộ thủ tục hành chính; Qua đó, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần cải thiện an sinh xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, thành phố đã tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, giúp bộ máy chính quyền các quận và thị xã Sơn Tây gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về tinh giản biên chế (từ 10% trở lên). Cụ thể, giảm 1.473 biên chế công chức (tương đương 15,6%); Giảm 12.890 biên chế sự nghiệp (tương đương 10%) so với năm 2015.

Với kết quả đó, Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố năm 2020 có sự chuyển biến rõ rệt: Chỉ số PAR Index nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước (xếp thứ 8/63); Chỉ số SIPAS tăng 19 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 11 bậc.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của thành phố vẫn còn một số hạn chế khi hệ thống phần mềm “một cửa” dùng chung 3 cấp hoạt động chưa ổn định, ảnh hưởng tới việc xử lý số liệu của các cơ quan, đơn vị; Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các đơn vị vẫn chưa đồng đều; Kết quả giải quyết một số hồ sơ thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu của cá nhân, tổ chức…

Tại hội nghị, đánh giá cao những kết quả thành phố Hà Nội đạt được trong công tác cải cách hành chính, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ 6 nội dung của công tác cải cách hành chính, đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu…

Thành phố cần rà soát lại chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức để bảo đảm thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị.

Về xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, Hà Nội có lợi thế về kinh phí và nguồn lực nên cần thực hiện tốt hơn nữa. Trước mắt, thành phố cần đẩy nhanh việc thực hiện chữ ký số, nghiên cứu các giải pháp cải thiện các chỉ số PAR Index, SIPAS…

Xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong công tác cải cách hành chính

 Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến góp ý tại hội nghị và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, triển khai ngay trong công tác cải cách hành chính của thành phố năm 2022 và các năm tiếp theo.

Với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội có trách nhiệm đi đầu trong các địa phương triển khai tốt, hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về cải cách hành chính. Trong quá trình tổ chức thực hiện, thành phố sẽ linh hoạt điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức để hướng tới việc hoàn thành và về đích sớm các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 của thành phố.

Để triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính của thành phố năm 2022, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung một số nội dung. Cụ thể, ngay sau hội nghị, tất cả sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn căn cứ Kế hoạch cải cách hành chính 2022 của thành phố, cụ thể hóa, ban hành và triển khai ngay kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt là các nhiệm vụ, đề án cần hoàn thành trong quý I/2022.

Chủ tịch UBND TP giao Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index và SIPAS giai đoạn 2021-2025 thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ, chuyên đề theo kế hoạch của thành phố và tổ công tác. Lãnh đạo thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, nghe một số sở, ngành báo cáo một số chuyên đề trọng tâm về cải cách hành chính.

Ngoài việc thực hiện những nội dung trên, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần lập đoàn kiểm tra công vụ theo hình thức đột xuất, tái kiểm tra việc thực hiện kết luận được chỉ ra từ lần kiểm tra trước. Cùng với đó, các quận, huyện là tổ chức hội nghị đối thoại với người dân, tổ chức và doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan tới giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của cấp huyện và cấp xã.

Đối với UBND các xã, phường, thị trấn, cần tập trung triển khai thực hiện đúng, đủ các quy định về Quy chế dân chủ ở cơ sở, triển khai sáng tạo các giải pháp góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính của chính quyền.

Quang cảnh hội nghị

Trên cơ sở kiểm đếm tiến độ và chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, đề án thành phố giao, Sở Nội vụ phối hợp Văn phòng UBND thành phố tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND thành phố tại các cuộc họp giao ban hằng tháng của tập thể UBND thành phố; Đồng thời xác định rõ trách nhiệm cá nhân, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xem xét hình thức xử lý trách nhiệm gắn với việc đánh giá, xếp loại hằng tháng của thủ trưởng, giám đốc các Sở, ngành.

“Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ, công tác cải cách hành chính của thành phố trong năm 2022 và các năm tới chắc chắn sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định.

 Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngang nhiên xây tường rào bít mặt tiền, cổng nhà hàng xóm?

Bức tường cao 2m, dài 7m chình ình ngay trước mặt tiền ngôi nhà của người dân tại ngách 52/28 Tô Ngọc Vân, P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý. Vụ việc kéo dài khiến người dân chật vật đi lại không thể dọn đến nơi ở mới, gây bất bình dư luận.

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-lap-doan-kiem-tra-cong-vu-to-chuc-hoi-nghi-doi-thoai-de-thao-go-kho-khan-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-190134.html