Hà Nội lên phương án chạy xe buýt sau ngày 21/9

19/09/2021 14:56

Kinhte&Xahoi Nếu Hà Nội nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch sau ngày 21/9 thì hoạt động vận tải hành khách công cộng sẽ được hoạt động. Hiện Sở Giao thông vận tải Hà Nội và một số doanh nghiệp liên quan đang lên kế hoạch, sẵn sàng để xe buýt chạy khi Hà Nội cho phép.

Đang xây dựng kế hoạch cụ thể

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, đơn vị này đang lên kế hoạch cho hoạt động vận tải công cộng sau ngày 21/9, trình UBND TP Hà Nội quyết định. Theo đó, đối với hành khách, cần thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K”; khai báo y tế điện tử; hạn chế nói chuyện, ăn uống trong suốt chuyến đi và chủ động khai báo nếu xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, khó thở.

Việc khôi phục hoạt động xe buýt tại Hà Nội dự kiến được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 trong 15 ngày đầu (dự kiến từ 0h ngày 21/9 đến 5/10), lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách phải có “thẻ xanh COVID” hoặc “thẻ vàng COVID”, đồng thời có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Giai đoạn này tần suất hoạt động của xe buýt không quá 50% công suất. Xe chỉ được vận chuyển không quá 50% số chỗ và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe, tính cả lái xe và nhân viên phục vụ.

Hình ảnh xe buýt đã vắng bóng trên đường phố Hà Nội gần hai tháng nay.

Giai đoạn 2 dự kiến từ ngày 6/10, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid”; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Ở giai đoạn này, tần suất hoạt động của xe buýt không quá 80% công suất. Xe chỉ được đáp ứng không quá 50% số chỗ và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe, tính cả lái xe và nhân viên phục vụ.

Giai đoạn 3 là giai đoạn bình thường mới, lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt và hành khách phải có “thẻ xanh Covid”. Xe buýt được hoạt động 100% công suất và không yêu cầu giãn cách hành khách.

Theo Sở GTVT Hà Nội, “thẻ xanh COVID” được cấp cho người đã tiêm mũi vắc xin thứ 2 được 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc đã được tiêm 1 mũi vắc xin (đối với các loại vắc xin chỉ cần tiêm 1 mũi như vắc xin Janssen của Johnson & Johnson) được 14 ngày và không quá 12 tháng; người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly trong vòng 21 ngày tính từ khi khỏi bệnh. Còn “thẻ vàng COVID” cấp cho người đã tiêm 1 mũi đối với vắc xin có yêu cầu 2 mũi được 14 ngày.

Doanh nghiệp xe buýt sẵn sàng chạy

Theo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị này đã dừng hoạt động xe buýt từ khi Hà Nội giãn cách xã hội (tức 23/7) đến nay. Hiện, Transerco sẵn sàng đảm bảo việc vận hành xe buýt khi Thành phố cho phép. “Tổng Công ty luôn chuẩn bị sẵn sàng. Còn mở thế nào, yêu cầu ra sao thì phải do Thành phố và Sở GTVT quyết định”, ông Nguyễn Hoàng Trung – Chủ tịch Transerco thông tin với PLVN.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Chánh văn phòng Transerco cho biết, đơn vị này đang chờ kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội; khi kế hoạch được phê duyệt thì Transerco sẽ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội và TP Hà Nội.

“Về phía Tổng công ty, chúng tôi luôn sẵn sàng cho các phương án. Nhân sự lái xe, nhân viên điều hành và phương tiện vận tải luôn được chúng tôi đảm bảo, sẵn sàng”, ông Hùng nói và cho biết, trong thời gian nghỉ dịch, công tác bảo dưỡng sửa chữa xe cộ vẫn được Transerco triển khai, đảm bảo xe buýt luôn đáp ứng đủ các điều kiện kỹ thuật, sẵn sàng chạy.

Kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi lên xe. (Ảnh minh họa)

Chánh văn phòng Transerco cho biết thêm, công tác phòng chống dịch luôn được Transerco đặt lên hàng đầu. Tại các bến xe cũng như các đơn vị khác của Transerco đều phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

“Chúng tôi đã ban hành các văn bản phòng chống dịch và yêu cầu các đơn vị tuyệt đối thực hiện theo”, ông Hùng nói và cho biết, khi xe buýt được chạy lại, nhiệm vụ rất quan trọng của Transerco là đảm bảo an toàn cho hành khách, lái xe, nhân viên. Do đó, đơn vị sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội và Thành phố.

Ông Lý Trường Sơn – Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, sau gần hai tháng bến xe nghỉ do Hà Nội giãn cách xã hội, hiện cán bộ nhân viên bến xe đang chờ đợi quyết định bến xe được hoạt động trở lại. Theo ông Sơn, trong thời gian giãn cách, bến xe Mỹ Đình luôn tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Hiện, bến xe sẵn sàng đón khách trở lại khi cơ quan chức năng cho phép, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.

Trợ giá xe buýt có bị cắt?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, việc giãn cách xã hội đang ảnh hưởng đến hoạt động của Transerco. Nhiều lao động hợp đồng đang tạm thời bị cắt lương. Hiện, mỗi năm Transerco được trợ giá xe buýt trên dưới 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm ngoái do ảnh hưởng của COVID-19, một thời gian xe buýt không chạy nên trợ giá xe buýt bị cắt khoảng 5%. Dự báo, với việc năm nay nghỉ chạy nhiều hơn, trợ giá xe buýt có thể bị cắt nhiều hơn. 

 Minh Hữu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/ha-noi-len-phuong-an-chay-xe-buyt-sau-ngay-21-9-d166674.html