Hà Nội: Mạnh tay xử lý công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường

20/04/2022 20:41

Kinhte&Xahoi UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm, để phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.

Hà Nội sẽ xử lý mạnh tay những công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa).

UBND TP Hà Nội mới ban hành Văn bản số 1137/UBND-ĐT về việc tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT triển khai nhiệm vụ "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh" theo hướng dẫn của Bộ TN&MT trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) hoàn thành trong năm 2022.

Đồng thời, tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí, đưa ra giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và hướng dẫn các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội triển khai giải pháp cải thiện chất lượng không khí, tiếp tục triển khai công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở hoàn thiện, vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn.

“Giao Sở Xây dựng kiểm tra các điểm đổ, tập kết chất thải rắn xây dựng và những công trình đang thi công, đặc biệt là công trình xây dựng quy mô lớn trên địa bàn các quận, huyện. Yêu cầu cơ quan chức năng kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng vi phạm, để phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường, đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định” – văn bản nêu rõ.

UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT triển khai hiệu quả Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030". Tham mưu UBND TP Hà Nội phương án phân luồng, hạn chế giao thông trong những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các Chỉ thị: Chỉ thị số 19/2019/CT-UBND về biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn; Chỉ thị số 15/2019/CT-UBND về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn trong năm 2022; Chỉ thị số 15/2020/CT-UBND về tăng cường biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng, chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

 Doãn Thành - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-manh-tay-xu-ly-cong-trinh-xay-dung-gay-o-nhiem-moi-truong.html