Hà Nội phấn đấu năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo

23/04/2022 07:57

Kinhte&Xahoi Trong giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu giảm từ 25-30% số hộ nghèo hàng năm. Phấn đấu đến cuối năm 2025 thành phố Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo; giảm 10% số hộ cận nghèo hàng năm.

Hà Nội tập trung hỗ trợ các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. (Ảnh minh họa)

Ngày 22/4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký phê duyệt Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Kế hoạch của thành phố Hà Nội nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo; tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững. Tạo điều kiện, khuyến khích các hộ nghèo thoát nghèo và vươn lên có mức sống khá; không để hộ tái nghèo, hạn chế thấp nhất số hộ nghèo phát sinh mới; giảm nhanh hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Tập trung nguồn lực, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo không có lao động, hộ nghèo có người mắc bệnh hiểm nghèo phải chữa trị lâu ngày, người nghèo là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật.

Kế hoạch đặt chỉ tiêu không có hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng (hộ có người đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng); cơ bản không còn hộ cận nghèo diện chính sách người có công với cách mạng.

Giảm từ 25-30% số hộ nghèo hàng năm. Phấn đấu đến cuối năm 2025 thành phố Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo; Giảm 10% số hộ cận nghèo hàng năm. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 của thành phố Hà Nội được phê duyệt dự kiến là 1.587.166 triệu đồng.

Kế hoạch tập trung hỗ trợ các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Hỗ trợ các đối tượng gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố, được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận và phê duyệt hàng năm; ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo có trẻ em, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo tại các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Về nhiệm vụ, các đơn vị có liên quan tập trung tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững. Thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo do Trung ương quy định cũng như các chính sách đặc thù của Thành phố về hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, chăm sóc sức khỏe; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; việc làm, nâng cao thu nhập; thông tin…

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thành phố tập trung thực hiện các dự án: “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, “Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng”, “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững”, “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”, “Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình”…

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch.

P. Ngân - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://laodongthudo.vn/ha-noi-phan-dau-nam-2025-co-ban-khong-con-ho-ngheo-138957.html