Hà Nội phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 28 dự án đầu tư công

08/04/2022 20:56

Kinhte&Xahoi Chiều 8/4, tại kỳ họp thứ tư, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội.

Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư 22 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 5.010 tỷ đồng; Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 10.240,8 tỷ đồng.

Toàn cảnh phiên làm việc chiều 8/4

Trong đó, các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: Xây dựng, mở rộng Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì); Cải tạo, nâng cấp Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ); Xây dựng, mở rộng Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì); Cống hóa mương thoát nước sau Trường Tiểu học Xuân La (đoạn từ đường Võ Chí Công đến ngõ 34 Xuân La); Xây dựng tuyến mương Việt Hưng - Cầu Bây và hồ điều hòa Cự Khối (quận Long Biên); Xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng (quận Long Biên); Xây dựng tuyến cống thoát nước Long Biên - Cự Khối (quận Long Biên); Kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng tương ứng từ K84+600 đến K86+389 đê hữu Hồng thuộc xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì); Cải tạo, nâng cấp tuyến đê Vân Cốc đoạn từ K8+800 đến K13+660 (huyện Đan Phượng); cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới Vàng - Dương Xá (huyện Gia Lâm); Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Thiên Đức (huyện Gia Lâm); Cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp làm đường giao thông trên địa bàn quận Hà Đông; Cải tạo, nâng cấp đê tả Cà Lồ đoạn từ K0+00 đến Km20+252 (huyện Sóc Sơn); Cải tạo, nâng cấp đê hữu Cầu đoạn từ Km17+00 đến Km28+828 và kè bờ sông hữu Cầu đoạn từ Km25+350 đến Km26+00 xã Bắc Phú (huyện Sóc Sơn); Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Thạnh Phú kết hợp làm đường giao thông (huyện Mê Linh); Nạo vét sông cầu Bây trên địa bàn quận Long Biên; Kiên cố hóa hệ thống kênh tưới N12 kết hợp làm đường giao thông (huyện Ba Vì); Cải tạo, nâng cấp và phát huy hiệu quả sông Hang (thị xã Sơn Tây); Xây dựng, mở rộng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (huyện Sóc Sơn); Xây dựng đường liên xã Thanh Liệt - Tam Hiệp - thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì)...

Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết

Ngoài ra, HĐND TP cũng quyết nghị điều chuyển dự án Cải tạo môi trường hồ Tứ Liên (quận Tây Hồ) để giao chính quyền quận Tây Hồ tiếp tục thực hiện thẩm quyền liên quan đến dự án theo phân cấp quản lý mới.

UBND TP chỉ đạo UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm kế thừa các nội dung của dự án đã được phê duyệt, thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định hiện hành để làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án bằng nguồn vốn của quận đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Các dự án phê duyệt chủ trương đầu tư đều là các dự án quan trọng thuộc đối tượng ưu tiên của các lĩnh vực, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư và các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong giai đoạn 2021-2025.

Thời gian thực hiện dự án đảm bảo phù hợp theo quy định của Luật Đầu tư công về thời gian bố trí vốn dự án (nhóm c dưới 3 năm, nhóm B dưới 4 năm, nhóm A dưới 6 năm), đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối vốn ngân sách thành phố giai đoạn 2021-2025, phù hợp tiến độ thực hiện (chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng...).

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-phe-duyet-dieu-chinh-chu-truong-dau-tu-28-du-an-dau-tu-cong-193672.html