Hà Nội siết chặt kiểm tra, giám sát người đi lại

29/07/2021 07:59

Kinhte&Xahoi Không để tình hình dịch phức tạp hơn, Hà Nội yêu cầu siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó chú trọng đến việc chủ động tăng thêm cường độ, mật độ kiểm tra, giám sát để đảm bảo duy trì liên tục 15 ngày giãn cách theo quy định, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống dịch.

Một chốt kiểm soát dịch bệnh trong nội thành Hà Nội.

Lập nhiều chốt, kiểm soát việc ra đường không cần thiết

Theo Thông báo số 428-TB/TU của Văn phòng Thành ủy Hà Nội có nhấn mạnh đến việc, từng địa phương trên địa bàn Hà Nội có nhiệm vụ rà soát, bố trí ngay các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các quận và các khu vực giáp ranh giữa các quận; huy động tối đa các lực lượng dân quân, Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, tình nguyện viên… tham gia công tác phòng, chống dịch để bổ sung cho các lực lượng chính quy, nhất là tại các chốt phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ngay trong ngày 28/7, lực lượng chức năng của Hà Nội đã phối hợp lập nhiều chốt trên địa bàn các phường, quận kiểm soát người ra đường với lý do không chính đáng.

Cụ thể, trên địa bàn phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), lực lượng chức năng đã lập chốt kiểm soát người ra vào khu vực tại ngã tư phố Trần Phú giao nhau với phố Phùng Hưng. Người dân đi qua đây được lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, kiểm tra.

Phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) đã lập chốt kiểm soát người ra vào phố Lý Nam Đế. Để qua chốt, người đi đường phải trình giấy tờ chứng minh lý do ra đường cần thiết.

Còn tại chốt kiểm soát trên phố Đào Tấn (thuộc địa bàn phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) đa phần người dân đều giải thích đi có công việc quan trọng, khám bệnh, mua thực phẩm, đi làm... Một số trường hợp chuẩn bị sẵn giấy giới thiệu của công ty để trình lực lượng chức năng. Người đi mua thực phẩm thì đưa thực phẩm hoặc CMND/CCCD chứng minh nhà ở hướng cần đi qua…

Ngoài ra, tại các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Phúc Thọ... tất cả các xã, thị trấn đã lập chốt kiểm dịch COVID-19. Việc lập chốt này nhằm góp phần kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân, yêu cầu người dân chỉ nên ra ngoài trong các trường hợp cần thiết, cấp bách để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Trong 4 ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 17, lực lượng chức năng của Hà Nội đã xử phạt hành chính số tiền hơn 3 tỷ đồng các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19. Riêng trong ngày 27/7, lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ đề nghị UBND các cấp xử phạt hành chính hơn 800 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Xây dựng hướng dẫn tạm thời cách ly F1 tại nhà

Để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, ngăn quá tải tại các khu cách ly y tế tập trung và tạo tâm lý thoải mái, giảm chi phí cho người được cách ly y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà cho F1.

Các nhóm áp dụng cách ly tại nhà, gồm: F1 không cùng gia đình, phòng làm việc, bàn ăn với các ca bệnh xác định. F1 bắt buộc phải có người chăm sóc, hỗ trợ như trẻ dưới 12 tuổi, người tàn tật, phụ nữ sau sinh và cho con bú trong vòng 12 tháng. Người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1 được cách ly cùng nhà với F1. Tất cả người sống trong một nhà đều là F1. Người đang cách ly tập trung đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR ngày thứ 7 âm tính với SARS-CoV-2.

Về thời gian thực hiện, các F1 đủ điều kiện sẽ cách ly y tế tại nhà trong 14 ngày liên tiếp kể từ thời điểm bắt đầu. Riêng người đã cách ly tập trung 7 ngày sẽ tiếp tục cách ly tại nhà thêm 7 ngày. Sau thời gian này, các F1 sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo, đồng thời được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 3 lần vào ngày 1, 7 và 14 và một lần ngày thứ 7 với F1 đã cách ly tập trung.

Các điều kiện về nơi ở, vệ sinh và trách nhiệm của người cách ly, nhân viên y tế, lực lượng chức năng trên địa bàn F1 cư trú, được quy định như hướng dẫn chung của Bộ Y tế về cách ly tại nhà, ban hành ngày 14/7…

Hiện Hà Nội đang ghi nhận hàng trăm ca mắc và đang diễn biến ngày càng phức tạp, do đó Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, chuẩn bị 83 cơ sở cách ly y tế tập trung, với gần 30.000 chỗ.

Bộ Tư lệnh chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát chuẩn bị thêm 20.000 chỗ, bảo đảm mỗi địa phương mở mới thêm 1.000 chỗ và đầy đủ vật chất hậu cần, nhu yếu phẩm để sẵn sàng tiếp nhận cách ly.

Đồng thời, Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã chủ trì, huy động bộ đội, dân quân và với tư cách là “Tư lệnh địa bàn” đề nghị các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huy động lực lượng phối hợp cùng địa phương chống dịch theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng...

 Yến Nhi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-siet-chat-kiem-tra-giam-sat-nguoi-di-lai-d161911.html