Hà Nội: Sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, ghi nhận nhiều ca biến chứng nguy hiểm

23/10/2022 09:44

Kinhte&Xahoi Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng ở mức cao do đang trong giai đoạn cao điểm mùa dịch.

"Đỉnh" dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào tháng 11-12

 Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Bạch Mai, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng, đỉnh điểm có thể là tháng 11-12.

Các bác sĩ (BS) cảnh báo dịch chồng dịch khi thời tiết miền Bắc chuyển mùa, các bệnh dịch khác như COVID-19, adenovirus, cúm, thủy đậu... cũng có nguy cơ bùng phát.

PGS.TS Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

  PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch sốt xuất huyết lớn, dự báo năm nay sẽ xảy ra.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - BV Bạch Mai. Nếu trong tháng 8 số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250.

Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên… sau đó lan vào các quận nội thành như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…

“Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Chúng tôi lo ngại trong tháng 11-12 tới sẽ là đỉnh điểm của sốt xuất huyết và nguy cơ dịch chồng dịch khi COVID-19 vẫn đang tồn tại, thêm vào đó bắt đầu vào mùa của một số bệnh gây dịch vào mùa đông khác như cúm, sởi, thủy đậu, aenovirus...” – PGS Cường nói.

Còn theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong hơn 1 tuần qua thành phố ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết mới tại 30 quận, huyện thị xã.

Cộng dồn trong năm 2022, Hà Nội đã có 6.779 ca mắc sốt xuất huyết, 5 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (2.091 ca, không có trường hợp tử vong). Trước tình hình đó, ngành y tế thành phố đang phải tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vệ sinh môi trường.

Với dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Hà Nội cũng đã thành lập hơn 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy tại các tổ dân phố và hơn 4.600 tổ giám sát.

Các cơ quan truyền thông đại chúng, báo đài trung ương và địa phương cũng đã chung tay với Hà Nội tích cực truyền thông vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch.

Nhiều trường hợp nguy kịch do tự ý điều trị sốt xuất huyết

 Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, trung bình một ngày có 10-20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L.

Ngoài ra nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.

Đơn cử như bệnh nhân NMĐ (39 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xung huyết, men gan tăng, suy gan, ứ đọng đờm dãi; tổn thương phổi, gan, tiểu cầu hạ, cô đặc máu, có dịch ở bụng, suy đa phủ tạng… Bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị nhưng đến nay vẫn nguy kịch.
 
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân TH (26 tuổi, Nam Định), nhập viện tuyến dưới sau 2 ngày sốt, đau mỏi người. Khi nhập viện, bệnh nhân đã hết sốt nhưng xuất hiện đau bụng thượng vị nhiều. BV tuyến dưới đã chẩn đoán viêm túi mật cấp, mổ nội soi cắt túi mật.

Tuy nhiên, sau mổ bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai. Sau khi làm các xét nghiệm, các BS chẩn đoán bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.

Một ca bệnh sốt xuất huyết nặng, có biến chứng được điều trị tại BV Đa khoa Đống Đa

  Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thời gian vừa qua tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng vào nhập viện. Điển hình là nam bệnh nhân N.Đ.T (57 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội), trước khi vào nhập viện một tuần, bệnh nhân thấy người gai rét, mệt nhiều, sốt 39 độ. Thấy uống thuốc hạ sốt thì dứt cơn, ông không đi khám.

Đến ngày thứ 3 sau sốt, ông T đánh răng thấy máu tươi chảy ồ ạt thì gia đình mới đưa cấp cứu tại bệnh viện huyện, xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt, tiểu cầu về mức 0 G/L. Ông được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Tới chiều 17/10, sau gần 7 ngày điều trị, tiểu cầu ông tăng lên 146 G/L, đạt mức bình thường, sức khỏe ổn định, được ra viện.

Tại Bệnh viện Đức Giang, số ca mắc sốt xuất huyết vào nhập viện tăng mạnh trong 1 tháng trở lại đây. Hiện tại bệnh viện đang quá tải với 150 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú. Khoa điều trị sốt xuất huyết đã quá tải nên nhiều khoa khác phải dành giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Các bác sĩ phải làm việc gấp đôi công suất vì bệnh nhân đông, trong đó nhiều ca diễn biến nặng, có dấu hiệu cảnh báo và sốc sốt xuất huyết. Do quá tải nên hầu hết bệnh nhân sau khi khám đều cho điều trị ngoại trú, chỉ 10% ca có dấu hiệu chuyển nặng thì nhập viện.

Theo các bác sĩ, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì thì cần làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 - 20 G/L.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/sot-xuat-huyet-co-chieu-huong-gia-tang-ghi-nhan-nhieu-ca-bien-chung-nguy-hiem-208619.html