Hà Nội tập trung xử lý các dự án chậm triển khai để khơi thông nguồn lực phát triển

18/04/2022 20:25

Kinhte&Xahoi Nghị quyết về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được thông qua tại kỳ họp thứ tư, HĐND TP Hà Nội khóa XVI với 15 nhóm biện pháp kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển thực chất thời gian tới; Tạo nguồn lực mới cho thành phố phát triển.

Vấn đề phức tạp tồn tại qua nhiều giai đoạn

 Tình trạng các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội là vấn đề phức tạp tồn tại qua nhiều giai đoạn phát triển.

Đến nay, Hà Nội có 135 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trong đó, có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND thành phố; 38 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; 74 dự án được UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.

Đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra 404 dự án. Hiện, có 96 dự án với diện tích 290,9 ha đất. Sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các bất cập đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất được kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất. Đến nay, UBND TP đã ban hành quyết định thu hồi đất 10 dự án với tổng diện tích 177,7 ha.

Đoàn khảo sát HĐND thành phố Hà Nội khảo sát một dự án chậm triển khai tại huyện Sóc Sơn

Ngoài ra, có 60 dự án với tổng diện tích 9 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng;

Có 63 dự án với tổng diện tích 1.426,1 ha đất chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. 20 dự án với tổng diện tích 92,1 ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. 136 dự án có các vi phạm khác đã kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể tại kết luận thanh tra đối với từng dự án.

Tính đến ngày 31/3/2022, UBND thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế thành phố kiểm tra, rà soát đối với 170 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, trong đó 136 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, tổng số tiền 22.247 tỷ đồng; 34 dự án còn nợ 3.330 tỷ đồng. Kết quả trên cho thấy sự quyết liệt trong xử lý đã có tác động tích cực; Trước hết là các chủ đầu tư đã chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đưa đất vào sử dụng, thực hiện dự án đầu tư; Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Tuy nhiên, công tác quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất và việc triển khai kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố còn có những tồn tại. Tình hình vi phạm về đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố vẫn còn.

Còn nhiều dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, một số dự án vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng đã được rà soát, kiểm tra và đề xuất các biện pháp xử lý nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm kéo dài không được xử lý dứt điểm, không đưa đất vào sử dụng.

Một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, không thực hiện các thủ tục để triển khai. Một số dự án phát triển nhà ở thương mại, xây dựng đô thị mới đã thực hiện huy động vốn từ các đối tác tham gia hoặc từ người mua nhà nhưng chậm triển khai, không bàn giao nhà đúng tiến độ cam kết dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân.

Ngoài ra, công tác phối hợp của các Sở, ngành, địa phương trong việc theo dõi, báo cáo tiến độ thực hiện dự án của Chủ đầu tư chưa được kịp thời, thiếu đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các dự án đầu tư đã được chú trọng thực hiện và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng kết quả xử lý đối với các chủ đầu tư, các dự án vi phạm còn chưa quyết liệt...

Cần thiết và phải làm quyết liệt

 Theo ông Phạm Đình Đoàn (đại biểu HĐND tổ Thanh Xuân), mấu chốt vấn đề là việc xây dựng kế hoạch lập dự án còn sơ sài, chưa tính kỹ hoặc vội vàng nên dẫn việc có nhiều dự án sử dụng đất chậm triển khai. Do đó, ông Đoàn cho rằng, cần có chế tài rõ, đặc biệt là đội ngũ nhân lực ở các ban quản lý dự án cần có hướng xử lý tận gốc vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Luyến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC cho rằng, các cơ quan, ban, ngành cần phân định rõ từng hạng mục công trình dự án, nguyên nhân chậm triển khai. Bên cạnh đó, cần quản lý sát sao hơn công tác đấu thầu, đấu giá các dự án, tránh tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực trúng thầu.

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh nêu quan điểm đối với các dự án chậm triển khai sau 24 tháng thì dứt khoát phải thu hồi. “Nếu chúng ta không có cơ chế thu hồi dự án từ nhà đầu tư cũ, giao lại dự án cho nhà đầu tư mới rõ ràng, nhanh, kịp thời thì dự án đó lại thành dự án treo”- Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn nhấn mạnh; Đồng thời cho rằng, thành phố phải quản lý sát sao hơn công tác đấu thầu, đấu giá các dự án, tránh tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực thực sự để triển khai. Đối với các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất hợp pháp muốn triển khai dự án phù hợp với quy hoạch được giao, thành phố cần chấp thuận chủ trương, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động triển khai theo đúng quy định.

Nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng ‘‘đất vàng’’ biến thành các dự án treo, tại Nghị quyết về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được thông qua, HĐND thành phố nhấn mạnh quan điểm kiên quyết thu hồi với nhà đầu tư không còn phù hợp quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai dự án. Trường hợp chủ đầu tư chậm, không phối hợp thực hiện thì tổ chức kiểm tra, xử phạt, ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án theo pháp luật đầu tư, đề xuất thu hồi đất đã giao theo đúng quy định pháp luật.

Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết vào thời điểm này là cần thiết để thúc đẩy các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Trong thời điểm hiện nay, khi các quy hoạch trên địa bàn thành phố đã cơ bản được phê duyệt thì việc quản lý, sử dụng lại càng đặt ra yêu cầu cấp thiết và nếu làm tốt đây sẽ là nguồn lực quan trọng để Hà Nội phát triển...

Huy Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-tap-trung-xu-ly-cac-du-an-cham-trien-khai-de-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-194323.html