Hà Nội: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em

29/10/2022 20:33

Kinhte&Xahoi Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 4797/SYT-NVY gửi Sở GD&ĐT Hà Nội về việc tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội và sự vào cuộc của các ngành, cấp, đặc biệt sự phối hợp của ngành Giáo dục & Đào tạo, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ tiêm mũi cơ bản cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 100%.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi mới đạt 55,2%. Tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản vắc xin phòng COVID-19 mới đạt 46,3%.

Trẻ được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Nhằm đẩy nhanh hơn tiến độ bao phủ liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, mũi nhắc lại cho nhóm đã được chỉ định tiêm nhắc lại, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục & Đào tạo tăng cường truyền thông cho học sinh, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng.

Những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm đảm bảo quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận.

Bên cạnh đó, vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, kịp thời các liều cơ bản (mũi 1, 2) cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, liều nhắc lại (mũi 3) cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Sở Giáo dục & Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với y tế địa phương rà soát tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của học sinh từ 5 tuổi trở lên.

Ngành Giáo dục & Đào tạo tổ chức và phối hợp với ngành y tế, bố trí địa điểm, cơ sở vật chất, nhân lực hỗ trợ để tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi tại trường học đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, Sở Giáo dục & Đào tạo phối hợp với y tế trong báo cáo UBND TP kết quả tiêm chủng của trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi đang học tập trên địa bàn Hà Nội.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có Công văn số 6115/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, TP tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Đến ngày 24/10, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 261 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trên toàn quốc tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 78,5% và 81,3%. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 62,0% và tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 88,9% và 62,1%.

Nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương có tiến độ tiêm chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Để khẩn trương hoàn thành các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, duy trì hiệu quả miễn dịch phòng bệnh của vắc xin, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo đơn vị liên quan đẩy nhanh việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn, khoa học và sử dụng hiệu quả vắc xin được phân bổ.

Các địa phương chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo và đơn vị liên quan đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi. Rà soát, lập danh sách và tổ chức tiêm đủ các mũi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho trẻ đủ diều kiện tiêm chủng.

Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo Sở Thông tin & Truyền thông phối hợp với Sở Y tế và đơn vị liên quan tiếp tục truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 kịp thời, đầy đủ.

Đặc biệt chú trọng truyền thông tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tiep-tuc-day-nhanh-tien-do-tiem-chung-vac-xin-covid-19-cho-tre-em-209259.html