Hà Nội triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát động thi đua năm 2022

14/12/2021 19:34

Kinhte&Xahoi Chiều 14-12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế hành chính, sự nghiệp và phát động phong trào thi đua năm 2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trực thuộc thành phố Hà Nội…

Quang cảnh hội nghị.

Đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế

Mở đầu hội nghị, Chánh Văn phòng UBND thành phố Nguyễn Anh Dũng công bố quyết định của UBND thành phố về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của thành phố, các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội, chỉ tiêu biên chế hành chính, sự nghiệp và dự toán ngân sách được giao, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị trực thuộc trước ngày 31-12-2021 và tổ chức thực hiện theo quy định. Quyết định cũng cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021; cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cấp thành phố.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tuân thủ thực hiện quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, quản lý nhà nước về đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, đất đai, môi trường và pháp luật có liên quan; đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, đánh giá đầu tư của chủ đầu tư, của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công…

Báo cáo một số nội dung triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn đề nghị tập trung khắc phục 5 nhóm tồn tại, hạn chế, trong đó, cần hoàn thành chỉ tiêu chưa đạt của năm 2021 về tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch; tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải… 

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế để lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022, phấn đấu ngành dịch vụ tăng từ 7,1% trở lên; công nghiệp tăng từ 8,4% trở lên; xây dựng tăng từ 10,2% trở lên; nông nghiệp tăng từ 2,5% trở lên.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đơn vị thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trên cơ sở danh mục và mức vốn được giao, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định khác liên quan; tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương đã báo cáo về công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng báo cáo về công tác tu bổ, tôn tạo các di tích để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà báo cáo về đầu tư, nâng cấp hệ thống y tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thực chất, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2021, tình hình thành phố phức tạp chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy khó khăn nhưng đến nay, một số chỉ tiêu quan trọng đã hoàn thành, thành phố giữ được các chỉ tiêu cán cân lớn, kết quả năm 2021 tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 2,92%. Trong bối cảnh phức tạp, thành phố đã phải thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội, tuy nhiên, công tác an sinh xã hội luôn được bảo đảm, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc một cách thực chất.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định thành phố còn nhiều tồn tại, hạn chế cần giải quyết trong thời gian tới. Trong đó, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu hàng loạt vấn đề từ công tác cán bộ, phân cấp trong điều hành, đầu tư các dự án trọng điểm, bất cập ở trạm y tế xã, phường…; năng lực, trách nhiệm và tham mưu của một số cán bộ lãnh đạo còn hạn chế; sự phối hợp của các sở, ban, ngành còn hạn chế, lúng túng, chưa hiệu quả; ý thức trách nhiệm của một số cán bộ trong giải quyết thủ tục hành chính chưa có chuyển biến mạnh, chưa thực chất… dẫn đến chất lượng công việc còn hạn chế.

Nhấn mạnh năm 2022 là năm có ý nghĩa rất lớn với thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ đây là năm bản lề của phát triển, bởi thực chất thành phố chỉ có 3 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển của giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhận định nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, thách thức, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, lãnh đạo phải thực chất, quyết liệt hơn trong năm tới.

Triển khai kế hoạch năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt đề cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, vai trò người đứng đầu đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, cụ thể là công bố cấp độ dịch tại địa phương, cách ly F1, điều trị F0 tại nhà… Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, người đứng đầu từng địa bàn phải chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch, tiếp tục thực hiện tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.

Với từng lĩnh vực cụ thể, Bí thư Thành ủy phân tích rõ những điểm "nghẽn" hiện nay và gợi mở các biện pháp tháo gỡ cụ thể. Trong đó, đề cập một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, nhất là về các trạm y tế, Bí thư Thành ủy yêu cầu phát động hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể tham gia giám sát việc điều trị F0, cách ly F1 tại nhà; căn cứ vào dân số và yêu cầu phòng, chống dịch theo từng địa bàn để tăng cường thêm trạm y tế lưu động để giảm tải. “Phải quyết liệt hơn nữa, nếu không số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Bí thư Thành ủy cũng đặc biệt lưu ý việc đầu tư trong lĩnh vực văn hóa; hỗ trợ nhân dân phục hồi các lễ hội; quảng bá ra thế giới về một Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm văn hóa của đất nước. Trên cơ sở “phải đi đến cùng, làm bằng được, ra bằng được sản phẩm”, Bí thư Thành ủy yêu cầu cần thống kê, đánh giá đầy đủ thực trạng, từ đó phân cấp phù hợp, chuẩn bị đầy đủ kinh phí thực hiện. “Lãnh đạo UBND thành phố phải phân công nhiệm vụ cụ thể, đôn đốc thường xuyên, có kế hoạch thực hiện chi tiết”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

Khẩn trương triển khai giao kế hoạch năm 2022

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai giao kế hoạch tới các đơn vị với tinh thần giao đủ, giao đúng và không thấp hơn các chỉ tiêu thành phố giao; xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế năm 2021 và hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 được giao.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai kịp thời, mạnh mẽ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để tiếp tục kiểm soát tình hình dịch bệnh là cơ sở để phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em theo các lứa tuổi, làm cơ sở để tiếp tục tổ chức cho học sinh sớm được quay trở lại học trực tiếp.

Với dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 là 311.650 tỷ đồng, bằng mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 28,8% so với ước thực hiện năm 2021, đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, đôn đốc thu hồi nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế; bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; bảo đảm hiệu quả chi ngân sách, giảm chi thường xuyên để ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Cho biết tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI vừa thông qua và quyết nghị kế hoạch đầu tư phát triển năm 2022 với tổng vốn 51.072 tỷ đồng, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung quyết liệt triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, khắc phục tồn tại, hạn chế, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022. “Thành phố sẽ xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức, của từng chủ đầu tư nếu tỷ lệ giải ngân không đạt tối thiểu 90%”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.  

Trước mắt, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đơn vị, địa phương hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021; đồng thời, chuẩn bị thật chu đáo về mọi mặt để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự, chỉnh trang đô thị… phục vụ nhân dân đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”.

“Với tinh thần quyết tâm cao nhất, thay mặt lãnh đạo thành phố, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố, tôi phát động phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn thành phố phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu và chủ đề công tác năm 2022 của thành phố”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 7-7,5%.
- GRDP bình quân đầu người: 139-141 triệu đồng.
- Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội: 10%.
- Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 5,0%.
- Chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4%.
- Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,1%.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân so với năm trước: 0,1%.
- Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 92,5%.
- Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 40%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 1,5%.
- Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 37,5%.
- Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố so với năm trước: 20%.
- Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: dưới 4%.
- Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 72,2%.
- Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 70 trường.
- Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa": 88%.
- Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 63%.
- Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa": 72,5%.
- Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: Khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 85%.
- Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%.
- Xử lý ô nhiễm môi trường: Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 28,8%.
- Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm: 25 xã; số xã nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm: 15 xã. 

 Tiến Thành - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1019883/ha-noi-trien-khai-ke-hoach-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-phat-dong-thi-dua-nam-2022