Theo đó, sau khi xem xét kiến nghị của Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc (đơn vị được giao “cắt ngọn” tòa nhà giai đoạn 1), ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng kiểm tra, làm rõ thông tin, quá trình xử lý dứt điểm giai đoạn hai và tháo dỡ cẩu trục tháp, vận thang lồng tại 8B Lê Trực.
Quá trình xem xét, ông Hùng yêu cầu Sở Xây dựng căn cứ trên cơ sở kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND TP và các yếu tố kỹ thuật và an toàn của công trình 8B Lê Trực.
Việc tháo dỡ phần sai phạm của toà nhà B8 Lê Trực giai đoạn 1 đã xong từ 10/2016 đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết.
Trước đó, cuối tháng 5/2018, Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc đã có văn bản kiến nghị UBND TP giải pháp xử lý dứt điểm vi phạm tại công trình 8B Lê Trực. Bởi từ khi kết thúc tháo dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) tháng 10/2016 tới nay, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng để phục vụ xử lý giai đoạn 2 tại công trình 8B Lê Trực, hệ thống cẩu trục tháp và vận thăng lồng đã phơi sương, phơi nắng hơn 19 tháng (gần 2 năm) nguy cơ mất an toàn là rất cao.
Bên cạnh đó, Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc kiến nghị cho đo đạc tính toán toàn bộ số m2 sai phạm (thuộc giai đoạn 2), nhân với giá giao dịch theo hợp đồng chủ đầu tư đã ký với người dân mua căn hộ trên m2; yêu cầu chủ đầu tư mua lại và nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước thay cho việc phá dỡ rất lãng phí tài sản xã hội và nguy cơ mất an toàn cho con người.
Liên quan đến việc chậm trễ trong xử lý, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng đã nhận trách nhiệm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc chậm xử lý phần sai phạm tại công trình này. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, quá trình xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực đã phát sinh những vấn đề mới, cần được giải quyết thấu đáo.
Theo các đơn vị chức năng, lý do chính dẫn đến việc chậm trễ xử lý giai đoạn 2 (phần chủ đầu tư tự điều chỉnh chiều cao xây dựng các tầng và không giật cấp theo giấy phép) là do đặt vấn đề đảm bảo an toàn cho toà nhà và cư dân sinh sống sau này lên trên hết. Bởi vậy, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình phối hợp với các cơ quan nghiên cứu của Bộ Xây dựng, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để có phương án xử lý đảm bảo yêu cầu an toàn. Nếu không đạt được tiêu chí này, các cơ quan chức năng buộc phải chuẩn bị phương án khác.
Trong khi đó, giải thích với báo chí, Sở Xây dựng Hà Nội cũng thừa nhận, về mặt kỹ thuật, có nhiều khó khăn trong việc phá dỡ giai đoạn 2. “Nếu chúng ta dùng phương án cắt thì toàn bộ kết cấu sẽ bị ảnh hưởng, tác động tới các tầng còn lại, khi đó làm phá vỡ cả kết cấu của tòa nhà" – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Trung nói.
Trả lời UBND TP Hà Nội về xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực, Bộ Xây dựng cũng không nêu ra phương án cụ thể mà chỉ yêu cầu chung chung: “Phương án phá dỡ hạng mục vi phạm công trình 8B Lê Trực phải đảm bảo an toàn kết cấu chịu lực, công năng sử dụng cho phần công trình còn lại sau khi phá dỡ và đảm bảo an toàn công trình lân cận”.
Việc xử lý nhà sai phép 8B Lê Trực đã kéo dài nhiều năm gây mất mỹ quan đô thị, dẫn đến nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn, gây nhức nhối trong dư luận. Đã đến lúc, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần nghiêm túc nghiên cứu xem xét, giải quyết dứt điểm để ổn định trật tự xã hội, trật tự đô thị và sự bình an cho nhân dân./.
Theo Gia đình & Pháp luật