Hạn chế tối đa tình trạng nông sản 'được mùa rớt giá'

22/02/2020 09:52

Kinhte&Xahoi Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc 'Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp' ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự cần thiết chế biến sâu nông sản nhằm gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa tình trạng 'được mùa, rớt giá'.

Thủ tướng chủ trì phiên họp.

Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%.

Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng đã ngày càng được áp dụng rộng rãi, nhờ đó đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Công nghiệp chế biến nông sản hiện đang giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động, phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng. Về cơ giới hóa nông nghiệp, đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/ha canh tác. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho hay, cả nước hiện có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí (95 doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng); gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đang đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới” vào năm 2030, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm.

Trong đó, tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Đối với lĩnh vực cơ giới hóa, mục tiêu đề ra là mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5-6HP/ha vào năm 2030…

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra những khó khăn và tồn tại của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những thách thức về hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của biến đổi khí hậu…

Để thực hiện được những mực tiêu, nhiệm vụ đề ra, ông Cường cho rằng Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp; đồng thời lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành một cách thông suốt, hiệu quả…

Gia tăng giá trị nông sản
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là một hội nghị quan trọng vì liên quan đến khoảng 65% dân số sống ở nông thôn và góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép hiện nay là vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Đánh giá cao những tiến bộ đáng mừng của ngành Nông nghiệp nước ta sau 30 năm đổi mới nhưng Thủ tướng cũng cho rằng ngành này vẫn còn dư địa rất lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh đến tình trạng lãng phí và thất thoát trong các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản còn cao; tỉ lệ cơ giới hóa còn thấp nên năng suất lao động nông nghiệp thấp.

Nhất trí với ý kiến của doanh nghiệp cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết nhưng Thủ tướng cũng cho rằng chế biến sâu là hướng đi quan trọng nhằm gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa việc “được mùa, rớt giá”.

“Ví dụ, thanh long có thể giữ 20 ngày, chuối 40 ngày nên nếu vận chuyển xa thì khó giữ tươi, khâu bảo quản phức tạp”, Thủ tướng nói. Cùng với việc tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường, Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa trong thời gian tới.

Lưu ý năng suất lao động trong ngành nông nghiệp còn thấp, Thủ tướng đặt ra yêu cầu phải giảm tỉ lệ lao động trong nông nghiệp mạnh mẽ bằng cách áp dụng cơ giới hóa. Chỉ ra rằng hiện nay tỉ lệ cơ giới hóa chúng ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực, trong khi đây lại là khâu quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp - nông thôn và tái cơ cấu nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất… Đồng thời, cần tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra các giống mới chịu hạn, mặn tốt; ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, cơ khí để nâng cao giá trị, chất lượng…

Lấy ví dụ chi phí logistics chiếm khoảng 50% chi phí xuất khẩu một quả xoài từ Đồng Tháp, Thủ tướng cho rằng muốn cạnh tranh được cần tiếp tục giảm giá thành, giảm chi phí, nhất là chi phí logistics, chi phí vận chuyển. Cùng với đó, cần xây dựng thương hiệu nông sản để có thể quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn. Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến góp ý về chính sách tích tụ ruộng đất và cho biết sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một nghị quyết về chính sách đất đai trong nông nghiệp.

Cơ bản đồng ý với định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và Đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đầu đứng trong tốp 5 nước hàng đầu thế giới về chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ; trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 để bảo đảm triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phát triển…

Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, cần triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã trong lĩnh vực nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản; xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá về năng lực của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Ba Đình (Hà Nội): Nhiều uẩn khúc trong việc cấp sổ đỏ tại số 33, phố Tân Ấp

Đã về hưu, Xí nghiệp bị giải thể nhưng ông Nguyễn Việt Trung lại không bàn giao tài sản cho Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà, thay vào đó có dấu hiệu không minh bạch trong việc cho thuê nhà, biến tài sản chung thành tài sản riêng. Tài sản được cấp sổ đỏ có nhiều uẩn khúc, khó hiểu.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/han-che-toi-da-tinh-trang-nong-san-duoc-mua-rot-gia-d117885.html