Học sinh háo hức khi được quay trở lại trường

27/01/2022 19:26

Kinhte&Xahoi Sau khi thành phố Hà Nội đồng ý cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 được đi học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều học sinh tỏ rõ sự vui mừng vì sắp được đến trường nhưng cũng không ít em vẫn còn lo lắng.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 234/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế; UBND các quận, huyện, thị xã về việc học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Theo đó, UBND thành phố thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội tại Tờ trình số 148 TTr-SGDĐT của Sở GD&ĐT ngày 19/1 về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, học sinh các khối từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố sẽ đi học trực tiếp; Học sinh cấp tiểu học và khối lớp 6 của cấp THCS tiếp tục học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Nhiều học sinh háo hức khi được quay trở lại trường học trực tiếp

Đi học trực tiếp vui hơn nhiều

 Nhận được thông báo cho đi học sau Tết, bên cạnh việc phải chuẩn bị và đảm bảo sức khỏe, các biện pháp phòng chống dịch, nhiều học sinh mang tâm trạng háo hức khi sắp được gặp lại bạn bè thân thiết sau 8 tháng xa cách.

Bạn Lê Trần Khánh Ngân (học sinh lớp 11 trường THPT Việt Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Trước khi nghỉ dịch, em tham gia câu lạc bộ nhảy của trường, được hoạt động, gặp gỡ với mọi người em vui lắm, nên thời gian nghỉ dài mấy tháng qua thấy rất nhớ trường và các bạn, đặc biệt nhớ nhất là câu lạc bộ.

Chúng em vẫn thường xuyên nói chuyện với nhau qua tin nhắn, điện thoại, có một số bạn thì đã thích nghi với học online ở nhà nhưng phần lớn đều ngóng trông tới ngày được quay trở lại trường, tiếp tục học tập. Đi học trực tiếp chắc chắn thích hơn rất nhiều học trực tuyến, bởi được trao đổi với thầy cô, gặp gỡ các bạn, trêu đùa nhau, ra chơi chạy ra góc này một chút, góc kia một chút.

Em nghĩ sau khi đi học trở lại các bạn sẽ lo lắng các bài kiểm tra nhưng một thời gian rồi cũng sẽ quen”.

Bạn Nguyễn Thành Nam (học sinh lớp 9 trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Em cảm thấy háo hức vì đã 8 tháng không gặp lại bạn bè, thầy cô. Khi nghe tin đi học em đã bắt đầu chép bài thật chu đáo, làm đầy đủ các bài tập… để chuẩn bị tam lý sẵn sàng đợi ngày trở lại trường. Thật vui vì sau Tết, em sẽ được gặp lại các bạn, thầy cô”.

Cũng như Ngân, Thành Nam cũng mong nhớ cảm giác được ngồi cùng những người bạn ở trên lớp, nghe thầy cô giảng bài và được tranh luận, hỏi đáp cùng thầy cô chứ không phải qua màn hình máy tính.

Đa số học sinh đều cho rằng, đi học trực tiếp sẽ giúp các em tiếp thu bài tốt hơn

“Em thích học trực tiếp hơn, thầy cô giảng bài có hồn nên em tiếp thu nhanh hơn. Học trực tiếp, thầy cô giám sát học sinh tốt hơn, khi giáo viên hỏi buộc mình phải trả lời. Còn học trực tuyến, khi bị gọi tên, nếu không thuộc bài, mình sẽ nói là do mạng, hoặc do tai nghe kém nên không trả lời được...”, Nam chia sẻ.

Vừa mừng vừa lo

 Tuy đa số các bạn học sinh háo hức muốn được đi học trực tiếp là thế, nhưng một số bạn cũng bắt đầu xuất hiện tâm lý “ngại” khi quay trở lại học trực tiếp. Nhiều em cho rằng, không muốn tiếp xúc, nói chuyện vì cảm thấy không tự tin, có những học sinh lo lắng vì áp lực bài vở sẽ nhiều hơn khi học online…

Sự lo lắng, ngại ngùng thể hiện rõ hơn ở học sinh lớp 10 khi các em bắt đầu một môi trường học tập mới nhưng lại phải học online, chưa được đến trường, chưa được gặp thầy cô và các bạn…

Ngô Quang Long (học sinh lớp 10, trường THPT chuyên Đại học Sư Phạm Hà Nội) cho biết: “Khi đỗ vào 10 trường chuyên Sư Phạm, thời gian đầu em rất vui vì đã thực hiện được nguyện vọng của bố mẹ. Tuy nhiên, học được hơn 1 kỳ, em cảm thấy rất cô đơn. Bản thân em là người khá hướng nội, tính cách cũng hơi trầm, cùng với đó là việc học online, nên đến giờ em vẫn chưa có một người bạn nào cả.

Em rất lo lắng khi đi học trở lại em sẽ phải mất nhiều thời gian để thích nghi với môi trường mới và quen bạn bè mới”.

Cũng có không ít em vẫn tỏ ra lo lắng và "ngại" giao tiếp với bạn bè khi quay trở lại trường

Đào Anh Dũng (học sinh lớp 11, trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ tâm lý vừa mừng vừa lo khi nhận được thông báo đi học: “Đầu tháng 1, em là trường hợp F1, tuy nhiên do gia đình không đủ điều kiện để cách ly tại nhà nên em phải đến khu cách ly tập trung. Vì trong khu cách ly không thể sinh hoạt như ở nhà nên em đã phải nghỉ học online, bài tập cô giao cũng rất nhiều nhưng chưa làm.


Sau khoảng thời gian 14 ngày cách ly, mặc dù đã được cô hướng dẫn lại kiến thức, được bạn bè cho mượn vở để chép bài nhưng em thấy mình đã bị đuối hẳn về kiến thức. Em lo lắng khi đi học trở lại, liệu bản thân có thể cải thiện được tình hình học tập không”.

Không chỉ có học sinh, nhiều phụ huynh cũng nóng ruột trước diễn biến tình hình dịch phức tạp nhưng con em sẽ quay trở lại trường học trực tiếp.

Chị Nguyễn Thu Hằng (37 tuổi, sinh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) không khỏi lo lắng khi con mình đi học trực tiếp dù đã tiêm đủ 2 mũi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay mỗi ngày hàng nghìn ca nhiễm, trong đó có rất nhiều ca lây nhiễm cộng đồng.

“Gia đình mình rất lo lắng, nếu con trở lại trường học trong lúc dịch bệnh đang phức tạp thì liệu nhà trường có đủ biện pháp để phòng chống dịch không? Việc thực hiện 5K trong trường học có được thực hiện nghiêm túc không? Nhà trường có thể giám sát tất cả các con đảm bảo giãn cách cũng như hạn chế tiếp xúc khi đi học không?”, chị Hằng lo lắng chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có công văn hướng dẫn các địa phương về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học khi đón học sinh quay trở lại. Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh, chỉ những vùng dịch có cấp độ 1,2 mới dạy học trực tiếp từ khối lớp 7 trở lên.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngang nhiên xây tường rào bít mặt tiền, cổng nhà hàng xóm?

Bức tường cao 2m, dài 7m chình ình ngay trước mặt tiền ngôi nhà của người dân tại ngách 52/28 Tô Ngọc Vân, P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý. Vụ việc kéo dài khiến người dân chật vật đi lại không thể dọn đến nơi ở mới, gây bất bình dư luận.

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hoc-sinh-hao-huc-khi-duoc-quay-tro-lai-truong-188875.html