Hơn 200 công ty đòi nợ thuê, không doanh nghiệp nào lành mạnh

24/03/2020 11:19

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện cả nước có 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng không có đơn vị nào hoạt động lành mạnh, chủ yếu là "xã hội đen", cho vay nặng lãi…

Bộ trưởng KH-ĐT tại phiên thảo luận luật.

Phiên họp ngày 23/3, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Cơ quan chủ trì soạn thảo luật (Bộ KH-ĐT) bảo lưu quan điểm đề xuất cấm dịch vụ đòi nợ thuê.  

Lý lẽ người đại diện Chính phủ (Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng) đưa ra để yêu cầu cấm dịch vụ đòi nợ thuê là, thực tế hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng loại hình kinh doanh này để thành lập những nhóm đòi nợ thuê mang tính chất “xã hội đen” và gây ra một số các vụ án rất nghiêm trọng.

Đồng ý với đề xuất này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích, quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý và thiết chế để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền hiện đại. Theo đó, các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội lập luận: “Quan hệ dân sự thì đã có các thiết chế giải quyết như trọng tài, toà án, hoà giải, tại sao không dùng các thiết chế  đã được quy định đó mà phải qua trung gian đòi nợ thuê?”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, ban đầu dịch vụ đòi nợ được quy định trong luật Đầu tư với kỳ vọng sẽ giải quyết được yêu cầu đặt ra, song thực tế, trong quá trình triển khai quy định từ đó đến nay cho thấy đòi nợ thuê không mang lại những hiệu quả tốt. Giờ dịch vụ đòi nợ đã biến tướng, bị lợi dụng, lạm dụng gây ra biết bao nhiêu chuyện rất phức tạp trong xã hội về an ninh, trật tự.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đa số ý kiến của Thường trực UB Kinh tế (cơ quan thẩm tra luật) cho rằng, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của xã hội. UB Kinh tế đề nghị không cấm đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Đồng tình với UB Kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhận định hoạt động kinh doanh này là phù hợp với thực tế, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường.

UB Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ cả 2 phương án thiết kế về quy định đòi nợ thuê trong dự luật để Quốc hội thảo luận, quyết định.

“Vì chúng ta chưa có những quy định rõ ràng, chặt chẽ cũng như điều kiện phải tuân thủ với hoạt động này nên mới nảy sinh một số biến tướng” – ông Chiến nói và đề nghị xem xét sửa đổi tên là kinh doanh hoạt động đòi nợ thuê “bằng một tên khác nghe nhân văn hơn, có thể đặt tên là hoạt động kinh doanh xử lý nợ”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xác nhận, thực tế không ít trường hợp lợi dụng, biến tướng quy định đòi nợ thuê nhưng nguyên nhân của việc này là chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này, chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh.

“Do quản lý kém nên đòi nợ thuê mới biến tướng. Còn rõ ràng đây là cơ chế thị trường, là yêu cầu thực tế, không phải quản lý không được thì cấm” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ những băn khoăn. Theo ông, hiện cả nước có 217 doanh nghiệp kinh doanh loại hình này, chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM nhưng không có đơn vị nào hoạt động lành mạnh, chủ yếu là xã hội đen, cho vay nặng lãi, ép người vay trả lãi suất cao dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp.

Mặt khác, đóng góp của lĩnh vực này với nền kinh tế không đáng bao nhiêu, so với những gì phải bỏ ra khắc phục.

“Chúng tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này, nhưng bây giờ thiết kế thế nào để quản lý chặt chẽ là một vấn đề rất thách thức rất lớn đối với cơ quan soạn thảo” - Bột rưởng trình bày.

Vì tranh luận chưa ngã ngũ, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất nêu cả 2 phương án thiết kế liên quan đến quy định này để Quốc hội tiếp tục thảo luận, quyết định.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đông Anh – Hà Nội: Hai trại nuôi lợn xây dựng trên đất nông nghiệp

Hai trang trại nuôi lơn rộng hàng nghìn mét vuông được xây dựng trên đất nông nghiệp từ cuối năm 2018 tại xứ đồng Bãi bồi ven sông, thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch huyện Đông Anh, Hà Nội. Hậu quả, dẫn tới việc gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Điều đáng nói khu đất này đã được mang ra đấu giá và có người trúng thầu nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại chưa bàn giao mặt bằng cho người trúng thầu, không hề xử lý các sai phạm trên khiến dư luận bất bình.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hon-200-cong-ty-doi-no-thue-khong-doanh-nghiep-nao-lanh-manh-d120084.html