Hơn 2,2 triệu học sinh Thủ đô háo hức đến trường khai giảng năm học mới

05/09/2022 08:00

Kinhte&Xahoi Sáng nay (5/9), hơn 2,2 triệu học sinh Thủ đô đến trường khai giảng năm học mới 2022-2023. Sau 1 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các em học sinh Hà Nội đều hào hứng, phấn khởi, đến dự lễ khai giảng thật ý nghĩa, xúc động và nhiều niềm vui.

Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 được tổ chức thống nhất trên cả nước theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của Ngày Khai giảng- Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Sau 2 năm khai giảng trực tuyến do dịch bệnh, năm nay, các trường đều chú trọng xây dựng chương trình đặc biệt đón học sinh tựu trường, đánh dấu năm học bình thường mới. Trong đó, có hoạt động đón học sinh đầu cấp học; Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường; Phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; Giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp…

Năm nay, các trường đều chú trọng xây dựng chương trình đặc biệt đón học sinh tựu trường, đánh dấu năm học bình thường mới

Để chuẩn bị cho năm học mới, nhiều tỉnh, thành đã đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh kể từ đầu tháng 8 đến nay, đồng thời xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều trường lớp; Tìm mọi cách khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ.

Trong thư gửi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh, cùng các em học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Hôm nay, ngày 5/9/2022, chúng ta lại cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt sau một khoảng thời gian bất thường, việc học tập bị gián đoạn thường xuyên bởi đại dịch COVID-19, thầy và trò lại được cùng nhau dự lễ khai giảng trực tiếp tại ngôi trường thân yêu, cùng nhau chia sẻ quyết tâm, niềm tin và hy vọng về một chặng đường mới trong học tập".

Chủ tịch nước đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề mà ngành Giáo dục lựa chọn năm nay, đó là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".

Chủ tịch nước đề nghị toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục hãy nỗ lực tận tụy, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, làm tốt chức trách, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người vĩ đại.

Cổng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội được trang trí rực rỡ chào đón năm học mới. Ảnh: Quang Tấn

Hòa chung không khí hân hoan của cả nước, hơn 2,2 triêu học sinh Thủ đô cũng nô nức đến trường khai giảng năm học 2022-2023. Sau 1 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các em học sinh đều hào hứng, phấn khởi, đón chờ buổi lễ khai giảng thật ý nghĩa, xúc động và nhiều niềm vui.

Theo văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, lễ khai giảng năm học 2022- 2023 sẽ tổ chức thống nhất, ngắn gọn và trang trọng trong tối đa 60 phút. Thực hiện đúng chỉ đạo trên, các trường học trên địa bàn thành phố đều xây dựng chi tiết kịch bản khai giảng của trường mình gồm phần lễ và phần hội.

Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các nhà trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, điều kiện của đơn vị và đặc thù riêng của từng cấp học, ngành học, các nhà trường chủ động tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiết thực, ý nghĩa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, các trường tổ chức sinh hoạt chuyên đề, cùng nhau tham gia hoạt động thể thao vui nhộn, trò chơi hoặc có những chương trình trao thưởng, tặng sách ý nghĩa...

Được biết, trong sáng khai giảng 5/9, lãnh đạo thành phố, Sở GD&ĐT và đại diện HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP cũng về một số trường học để chúc mừng, động viên thầy cô, học sinh nhân dịp bắt đầu năm học mới.

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hon-22-trieu-hoc-sinh-thu-do-hao-huc-den-truong-khai-giang-nam-hoc-moi-204908.html