Kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với doanh nghiệp Italia

08/06/2022 19:44

Kinhte&Xahoi Chiều 7/6, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam - Hiệp hội doanh nghiệp Italia tại Việt Nam (ICHAM) và Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với doanh nghiệp Italia. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền tới tham dự.

Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội sẽ được kết nối với doanh nghiệp Italia

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đây là một hoạt động hết sức thiết thực, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội tiếp xúc, giao lưu, hợp tác, kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp Italia nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao thương, xuất - nhập khẩu và phát triển thị trường.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Thông qua hội nghị này, thành phố Hà Nội mong muốn Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội và Hiệp hội doanh nghiệp Italia tại Việt Nam sẽ phát triển mối quan hệ liên doanh, liên kết và hợp tác ngày càng chặt chẽ trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Qua đó, góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hà Nội và các vùng của Italia, đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa và con người Hà Nội đến với Italia.
 
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 6,4%; tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 13,6%; xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 20,2%.
 
Trong lĩnh vực công nghiệp, thành phố Hà Nội đã ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố đến năm 2025 đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển công nghiệp Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết quả đến nay, thành phố Hà Nội có 117 sản phẩm của 81 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực; trong đó, có 22 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, 12 doanh nghiệp nằm trong TOP 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 10 doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu.
 
Sở Công Thương Hà Nội và Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực với mục tiêu “Tập trung phát triển nhanh một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, từng bước đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội trở thành một thương hiệu có uy tín, có sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Lễ ký bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác giữa Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) và Hiệp hội doanh nghiệp Italia tại Việt Nam (ICHAM).
 
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết năm 2021, thành phố Hà Nội có 117 sản phẩm của 81 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghệ chủ lực. Trong đó có 10 doanh nghiệp thuộc ngành công nghệ cao, 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện - điện tử; 32 doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí chế tạo và ngành khác; 5 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm; 6 doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ; 25 doanh nghiệp nằm trong TOP 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, tiêu biểu như các doanh nghiệp; 13 doanh nghiệp FDI với nhiều thương hiệu toàn cầu như: Canon, Panasonic, Toto, Meiko, (Nhật Bản), B.Bruau (Công hòa liên bang Đức), CP (Thái Lan)… Doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt gần 200.000 tỷ đồng (gần 10 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD.
 
Cũng tại Hội nghị này, Hiệp hội doanh nghiệp Italia tại Việt Nam (ICHAM) và Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) đã tổ chức ký kết Biên bản ghi nhớ với nội dung kết nối, trao đổi thông tin hoạt động của hai bên, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Hội viên theo các hình thức: hỗ trợ tìm hiểu thị trường, xúc tiến và kết nối thương mại dành cho các doanh nghiệp là hội viên của hai bên; hợp tác trong đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; hợp tác trong phát triển sản phẩm mới, sản phẩm thân thiện môi trường; hợp tác trong sản xuất, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối với các doanh nghiệp Italia và các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới; mở rộng xuất khẩu, tham gia hệ thống phân phối vào thị trường ITALIA, thị trường EU, tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EU) mang lại…

 Huy Kiên - HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2852514/ket-noi-doanh-nghiep-san-xuat-san-pham-cong-nghiep-chu-luc-thanh-pho-ha-noi-voi-doanh-nghiep-italia.html