Khả năng mưa bão sẽ xuất hiện dồn dập, cường độ "báo động đỏ" vào cuối năm

16/06/2022 19:00

Kinhte&Xahoi Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Không khí lạnh đến sớm, mưa lũ xuất hiện nhiều

Sáng 16/6, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức "Hội thảo phối hợp hướng dẫn khai thác thông tin khí tượng thủy văn và cập nhật nhận định diễn biến thiên tai 2022".

Báo cáo tình hình thiên tai từ tháng 7 đến cuối năm 2022, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55 - 65%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam chịu ảnh hưởng La Nina - hiện tượng này là ít gặp, thường chu kỳ ENSO là 2 năm. Dự báo số lượng bão sẽ nhiều hơn trung bình và điều chỉnh tăng hơn so với dự báo trước đây.

Cũng theo ông Lâm, từ nay đến hết năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.

Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới

Trong các tháng mùa mưa từ tháng 7 tới tháng 9/2022, lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Từ khoảng tháng 10 đến tháng 11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập.

Về nhiệt độ và nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, ông Lâm cho biết nhiệt độ trung bình tháng 7/2022 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tháng 8 và 9/2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C.

"Đề phòng trong tháng 7/2022 có thể xuất hiện giá trị cực đoan liên quan đến nhiệt độ ở khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Dự báo xác suất 70 - 80% khả năng xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày trên 37 độ C", ông Lâm cảnh báo và cho biết nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021.

Ông Lâm cũng lưu ý năm nay không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ tháng 10 và 11, nền nhiệt các tháng đầu mùa đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Đề phòng mưa bão ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, ông Hoàng Đức Cường cho rằng, năm nay thời tiết tương đối phức tạp, dồn dập vào cuối năm và tái diễn những hiện tượng của các năm trước. Do đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng nên mưa lũ sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Hoàng Đức Cường, các đợt mưa lũ vừa qua ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Yên... cũng chưa phải là kỷ lục vì rất may mưa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nếu kéo dài thêm 1-2 tiếng đồng hồ nữa thì sẽ ngập rất nặng.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin về mùa mưa bão năm 2022

Làm rõ hơn thông tin về mùa mưa bão năm 2022, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Năm nay không khí lạnh đến sớm, hoạt động bão nhiều hơn, kết hợp với nhau thì ảnh hưởng nặng hơn tạo hình thế gây mưa.

"Trạng thái La Nina liên tục từ năm 2020 đến nay, những pha lạnh như vậy khiến xác suất mưa liên tục cao, đặc biệt Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Năm nay dự báo Tây Bắc Thái Bình Dương có bão mạnh, khả năng dồn vào cuối năm nên sẽ tác động đến nước ta. Mưa liên tục phối hợp không khí lạnh đến sớm, tạo hội tụ gây mưa rất lớn và dồn dập ở miền Trung vào tháng 11", ông Khiêm nói thêm.

Để nâng cao chất lượng dự báo, thời gian qua, mô hình quan trắc và cảnh báo mưa, dông, lốc tự động bằng AI đang được Tổng cục Khí tượng Thủy văn mở rộng ra quy mô cả nước, dựa trên cơ sở hệ thống 10 radar hiện đại do chính phủ Nhật Bản và Phần Lan hỗ trợ, cùng với hệ thống radar cũ được nâng cấp. Bên cạnh đó, nước ta còn sử dụng 18 trạm định vị sét để quan trắc. Các thiết bị này đã được giao cho 10 đài cao không để vận hành.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tại những địa phương có tỷ lệ dông sét cao như Hà Giang, Quảng Ninh... cần phải có bản đồ dông, sét.

"Trên tinh thần đưa ra thông tin cảnh báo trước 30 phút cũng có thể cứu được một mạng người, chúng tôi đã gửi ngay các bản tin cho ban chỉ huy tại các địa phương để hướng dẫn người dân phòng tránh", ông Trần Hồng Thái nói.

Có thể thấy rằng, những năm gần đây công tác dự báo đã được nâng cao. Mặc dù vậy, ngành khí tượng thủy văn vẫn cần phải cố gắng hơn nữa, toàn tâm toàn ý để đáp ứng yêu cầu của xã hội, Bên cạnh đó cũng cần phải có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, như vậy công tác dự báo, cảnh báo thiên tai mới phát huy hiệu quả.

 Khắc Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/kha-nang-mua-bao-se-xuat-hien-don-dap-cuong-do-bao-dong-do-vao-cuoi-nam-198939.html