Khẩn trương khắc phục các hậu quả lũ quét tại Nghệ An

04/10/2022 09:44

Kinhte&Xahoi Từ 22 giờ ngày 1/10 đến 12 giờ ngày 3/10, trên địa bàn thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, xảy ra đợt mưa dông rất lớn, lượng mưa đo được hơn 200 mm, gây lũ quét gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Lũ quét về trong đêm cuốn trôi nhiều ngôi nhà

 Mưa lớn sau cơn bão Noru tiếp tục lan rộng từ đêm 28/9 khiến cho nhiều nơi ở Nghệ An như TP Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Yên Thành, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn… mưa lớn kéo dài.

Rạng sáng 2/10, nước lũ thượng nguồn đổ về, lũ quét khiến các khu dân cư tại bản Hòa Sơn và Sơn Hà (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bị lũ cuốn trôi chìm trong nước.

Người dân và lực lượng chức năng dọn dẹp vệ sinh môi trường sau trận lũ

Trận lũ quét lần này được đánh giá có sức tàn phá kinh hoàng nhất trong vòng mấy chục năm gần đây ở địa phương. Theo thống kê, mưa lũ lớn đã cuốn trôi một cháu bé 4 tháng tuổi ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ. Các lực lượng đã phối hợp tìm thấy thi thể của cháu.

Ngoài ra, 56 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn, trong đó có 55 ngôi nhà của người dân ở xã Tà Cạ và 1 nhà ở thị trấn Mường Xén. Mưa lũ cũng làm 141 nhà bị ngập, sạt lở gây hư hỏng nặng; 45 ngôi nhà của người dân thị trấn Mường Xén bị ngập; 45 nhà phải di dời khẩn cấp. Hai chiếc ô tô của người dân bị lũ cuốn trôi, trong đó 1 ô tô đã được cứu vớt, 10 ô tô khác bị ngập.

Các cơ quan như Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, nhà công vụ UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Đội Thi hành án, Huyện ủy, UBND huyện bị ngập sâu trong nước.

Trận lũ quét lịch sử đã cuốn trôi nhiều ngôi nhà

Cho đến ngày 4/10, nhiều nơi mới bắt đầu nước rút, nhà cửa, đường phố ngập trong bùn đất. Khối lượng bùn đất ở mặt đường quá dày đặc khiến nhiều tuyến đường tại vẫn chưa thể thông xe. Lực lượng chức năng và các đơn vị quân đội đã chung tay hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau cơn lũ quét.

Sau cơn lũ quét vào rạng sáng 2/10, người dân vẫn còn bàng hoàng, lo sợ. Họ chưa biết nên bắt tay khắc phục từ đâu. Trận lũ quét đã cuốn đi nhiều tài sản của người dân.

Cũng trong 3 ngày này, nước lũ dâng cao cũng khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề. Theo người dân, mưa lớn kéo dài cùng việc thủy điện, hồ thủy lợi xả nước khiến lũ lên nhanh trong đêm. Người dân dù đã đề phòng, di chuyển đồ lên cao song vẫn thiệt hại nhiều tài sản.

Khẩn trương sơ tán người dân đến nơi an toàn

 Chia sẻ những mất mát với Nhân dân, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, dân quân tự vệ đã khẩn trương hỗ trợ các gia đình dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa.

Đối với những gia đình bị trôi nhà, mất trắng tài sản chính quyền địa phương huyện Kỳ Sơn đang nghiên cứu sắp xếp chỗ ở tập trung hoặc làm nhà bạt, nhà tạm để sinh hoạt trong khi chờ xây dựng nhà mới.

Tuy nhiên, cuộc sống người dân vẫn bộn bề khó khăn do giao thông chưa được lưu thông, mất điện, nước. Đáng lo ngại hơn, sau trận lũ dữ, đất đá lở mạnh khiến cho nhiều ngôi nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Lực lượng công an và quân sự tiếp tục hỗ trợ người dân thông đường, dọn dẹp sau trận lũ dữ

Trước tình hình đó, chính quyền và lực lượng vũ trang đã sắp xếp những người dân có nhà bị cuốn trôi và bị ngập, ở khu vực còn nguy hiểm không thể sinh hoạt thì ở ghép với những gia đình ở các khu vực cao ráo và sơ tán đến nơi an toàn.

Tuyến đường Mường Xén đi Tây Sơn có nhiều điểm sạt lở, trong đó 4 điểm sạt lở rất nặng các loại phương tiện không qua lại được. Đường Quốc lộ 7 trên địa bàn xã Nậm Cắn sạt lở trên 10 điểm, hiện tại phương tiện không thể lưu thông.

Mưa lũ gây sạt lở tuyến Quốc lộ 7 tại xã Tà Cạ, sạt lở ta luy dương làm tắc đường, các phương tiện hiện không qua lại được. Hiện tại đường giao thông vào xã Tà Cạ và Tây Sơn bị ách tắc hoàn toàn.

Ngoài ra, người dân cũng được tiếp tế, bảo đảm lương thực, đồ dùng thiết yếu; Đặc biệt tại những địa bàn vẫn đang bị cô lập, quyết không để người dân nào chịu đói, rét.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, lũ hạ lưu sông Cả đang xuống chậm. Tình trạng ngập lụt tại các huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Hưng Nguyên,Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) giảm dần.

Tuy nhiên, mưa dông tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Do đó, nguy cơ sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven sông vẫn còn, đặc biệt tại Nghệ An có các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Thanh Chương.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung huy động các lực lượng Công an huyện, Huyện đội, Công an tỉnh, Quân khu 4, tham gia ứng cứu khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng sơ tán người dân đến nơi an toàn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại mưa lũ gây ra; Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống thiên tai; Phối hợp với các đơn vị đảm bảo nhanh nhất thông tuyến giao thông. Địa phương cũng tập trung lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ, tổ chức thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khan-truong-khac-phuc-cac-hau-qua-lu-quet-tai-nghe-an-207196.html