Khơi dậy lòng tự hào, tự tin, niềm tin yêu trách nhiệm với Hà Nội trong thế hệ trẻ

21/04/2022 19:40

Kinhte&Xahoi Chủ trì buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội về việc kiểm tra, khảo sát việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ năm 2022 trên địa bàn thành phố chiều 21/4, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, Hà Nội cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khơi dậy lòng tự hào, tự trọng, tự tin, niềm tin yêu trách nhiệm với Hà Nội, đặc biệt là trong thế hệ trẻ; Kiên trì thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật....

Đổi mới, linh hoạt và sát tình hình thực tiễn

 Báo cáo tại buổi làm việc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, trong những năm qua, công tác tổ chức học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, kết luận được triển khai đầy đủ, kịp thời và linh hoạt; Đổi mới theo hướng sát với tình hình thực tiễn và hướng về cơ sở.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Nội được triển khai đồng bộ theo hướng đa dạng, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phát triển toàn diện luôn được quan tâm hàng đầu; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được chú trọng; Văn hóa trong chính trị và kinh tế được quan tâm.

Quang cảnh buổi làm việc

Chất lượng, hiệu quả của các hoạt động văn hóa được nâng cao; Đã phát huy hiệu quả việc văn nghệ sỹ tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chất lượng đào tạo đội ngũ làm công tác văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực cao cho ngành văn hóa, nghệ thuật được nâng cao. Thành phố cũng đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội trên các lĩnh vực thông tin đối ngoại; Khơi dậy và phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội.

Đặc biệt, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa thông qua việc chủ động xây dựng và ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Song song với phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa. Chủ trương từng bước xây dựng nền tảng phát triển, phát huy đặc trưng của công nghiệp văn hóa là “công nghiệp” và “sáng tạo” làm đòn bẩy cho việc mở rộng và phát triển thị trường văn hóa Thủ đô, ngày càng có nhiều sản phấm và dịch vụ văn hóa uy tín, chất lượng và hấp dẫn trên thị trường”, đồng chí Bùi Huyền Mai cho biết.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai báo cáo tại buổi làm việc

Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Cùng với đó là tận dụng tối đa các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ để đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế.

Tại hội nghị, các thành viên Đoàn kiểm tra cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua cũng như các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Các đại biểu cũng trao đổi về các kiến nghị về cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; Hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn sao cho hiệu quả…

Tổ chức cho các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế

 Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, với vị trí, vai trò quan trọng so với cả nước nên đến nay Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết về phát triển Thủ đô, trong đó có lĩnh vực văn hóa cũng như con người Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc

“Thực tiễn 35 năm đổi mới cho thấy, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, việc đầu tư nguồn lực để xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh đó thành phố cũng gặp những khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công về văn hóa, xây dựng và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa”, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nêu các kiến nghị, đề xuất của thành phố Hà Nội với Ban Tuyên giáo Trung ương để triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trên địa bàn thành phố thời gian tới. Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng cần có định hướng về công tác tuyên truyền cũng như tổ chức cho các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về phía các Bộ, ngành liên quan của Trung ương sớm có các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần có các quỹ phát triển văn hóa để hỗ trợ các hoạt động văn hóa truyền thống...

Kiên trì thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

 Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm biểu dương những thành tích kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả nội dung này; Liên tục nhiều khóa đều có chương trình công tác lớn dành riêng cho phát triển văn hóa.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại buổi làm việc

Đáng lưu ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa và tiên phong triển khai phát triển văn hóa, thực hiện mục tiêu kép vừa phát huy văn hóa ngàn năm, vừa đưa văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, coi đây là bước tiến đột phá, quan trọng.

Chỉ ra những tồn tại thách thức, trong đó, những chuyển biến vẫn chưa xứng tầm, sự xa sút trong văn háo ứng xử của một bộ phận giới trẻ còn đáng lo ngại; Nhiều thiết chế văn hóa hiệu quả sử dụng chưa cao, gây lãng phí... và khẳng định những khó khăn, thách thức này không phải chỉ riêng của Hà Nội, đồng chí Trần Thanh Lâm yêu cầu thời gian tới, Hà Nội cần quan tâm triển khai đồng bộ các chương trình hành động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XVII Đảng bộ TP; Cập nhật thêm kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị.

Cùng với đó, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khơi dậy lòng tự hào, tự trọng, tự tin, niềm tin yêu trách nhiệm với Hà Nội, đặc biệt là trong thế hệ trẻ; Kiên trì thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật....

Hà Nội cũng cần tiếp tục bám sát các yêu cầu nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ và chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa để khai thác tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Thủ đô, góp phần phát triển kinh tế và hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Đồng chí cũng yêu cầu Hà Nội quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành thuộc lĩnh vực này; Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất phổ biến các sản phẩm văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; Tập trung nghiên cứu giải pháp hài hòa giữa văn hóa truyền thống; Tạo điểm nhấn đối với các thiết chế thể thao, phục vụ nhu cầu hưởng thụ Nhân dân; Quan tâm xây dựng văn hóa gia đình, công sở, doanh nghiệp; Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ tài năng nghệ thuật của Thủ đô và đất nước để họ tiếp tục sáng tạo những tác phẩm chất lượng cao. Đồng thời, thành phố tiếp tục phát huy được vai trò, trách nhiệm của báo chí Thủ đô vào sự phát triển của văn hóa, văn nghệ...

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khoi-day-long-tu-hao-tu-tin-niem-tin-yeu-trach-nhiem-voi-ha-noi-trong-the-he-tre-194626.html