Khơi thông các dòng vốn, quyết liệt trong giải ngân đầu tư công

02/06/2022 07:17

Kinhte&Xahoi Giải ngân vốn đầu tư công chậm; những biểu hiện không lành mạnh của thị trường chứng khoán, tiền tệ, bất động sản; giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao… là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận của Quốc hội về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, diễn ra ngày 1/6.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.

“Sốt ruột vì có tiền nhưng không tiêu được”

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội (QH) nhất trí cho rằng, dù ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh và các yếu tố bên ngoài, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; các chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời đề xuất với QH nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để giải quyết nhanh những vấn đề của nền kinh tế, đời sống của nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) trong năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực.

Đề cập đến một số vấn đề còn tồn tại, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá, đến nay, Nghị quyết 43/2022/QH15 của QH và các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch chưa được thực hiện hiệu quả.

“Có một sự sốt ruột không hề nhỏ khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được, dù nhu cầu và nhiệm vụ đặt ra rất lớn và rất cấp bách. Nếu không có các giải pháp phù hợp thì tiến độ 2 năm của chương trình là rất khó khả thi. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai các thủ tục hành chính, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành; dồn mọi việc lên cho Thủ tướng và cho Chính phủ” - Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước), có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Thứ nhất, bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công, khi được phân bổ từ Trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc, dẫn đến chậm trong phân bổ vốn cho dự án. Thứ hai là công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường trước những khó khăn. Thứ ba là việc lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị phải minh bạch trong lựa chọn nhà thầu để xử lý dứt điểm “căn bệnh trầm kha” chậm giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, Chính phủ cần có giải pháp khơi thông các dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh; quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững; có đủ chế tài đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ổn định giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát

Tại phiên thảo luận, vấn đề “sát sườn” với đời sống người dân là giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, đặc biệt là xăng dầu, phân bón…, cũng được nhiều đại biểu đề cập.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích: “Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài. Hiện, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã làm Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%. Đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Hồ Chí Minh) cho rằng, để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6 đến 6,5%; kiểm soát lạm phát 4% trong năm 2022, Chính phủ trước mắt cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình QH, Ủy ban Thường vụ QH giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng. Trong đó, mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, bởi để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến “hiệu ứng domino” các mặt hàng khác.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi “té nước theo mưa”.

Cho rằng người nông dân đang “oằn mình” trong “cơn bão” giá khi giá thuốc thú y, giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là giá phân bón tăng cao, Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) kiến nghị QH xem xét, sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế theo hướng quy định giá phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, từ đó hạ giá thành, giảm bớt gánh nặng cho người nông dân.

Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, tiền tệ, bất động sản

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) nhận định, trong những tháng qua, do cả nước phải tập trung vào công tác phòng chống dịch nên có tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng kẽ hở để “đục nước béo cò”. Do đó, đại biểu đề nghị đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu; tiếp tục có những biện pháp đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực.

Đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết), nhiều đại biểu QH đều thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết để tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; giảm thiểu những xung đột, tranh chấp do dừng các cơ chế đang áp dụng; tránh ảnh hưởng lớn, không thuận đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém.
 
Phân tích về những “biểu hiện không lành mạnh” của thị trường chứng khoán và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường công khai, minh bạch thông tin đến người dân.

Phân tích về tình trạng giá giao dịch bất động sản thực tế cao hơn nhiều so với giá kê khai trên hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn xảy ra phổ biến, làm thất thu ngân sách nhà nước, Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho biết, để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan thuế, các cấp và các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, bước đầu nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, các chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua còn rất chung chung, chưa giải quyết triệt để được gốc vấn đề. Do đó, đề nghị QH, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng như quy định của Luật Đất đai. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quy định rõ ràng, cụ thể các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản theo đúng quy định của pháp luật để cơ quan thuế địa phương thực hiện đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch.

Đề cập tới những góc khuất, những tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nhấn mạnh về tình trạng thắng thầu bỏ cọc, “thổi giá” đất lên cao; tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thông đồng dìm giá; tình trạng bắt tay ngầm, “rút ruột” của Nhà nước và tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá.

Khẳng định những chiêu trò này đã gây ra những hệ lụy rất lớn với KT-XH, cần mạnh tay xử lý, Đại biểu kiến nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa; tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất. Bộ Công an cần chọn một số phiên đấu giá đất có nhiều dư luận vừa qua để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động này.

Phát biểu làm rõ một số nội dung về vấn đề giá sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Thực hiện Nghị quyết này, công việc biên soạn SGK đã thực hiện theo hướng xã hội hóa. Các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá dịch vụ tài chính, chữ ký xuất bản, phát hành với mong muốn học sinh, đối tượng mua SGK giá thấp nhất.

Từ góc độ quản lý nhà nước và góc độ chuyên môn, Bộ đã tăng cường chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách sao có thể dùng lại nhiều lần các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện đầy đủ các quy định theo Thông tư 33 của Bộ, cấu trúc và nội dung SGK phù hợp tiêu chuẩn SGK xuất bản phẩm.

Đồng thời, Bộ đang chỉ đạo chuẩn bị ban hành Thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về SGK để điều tiết việc này một cách cụ thể hơn và có hiệu quả hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản, nhà xuất bản giáo dục cần thực hành tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác để đảm bảo giá SGK được thấp nhất.

Ngoài ra, về hiệu quả các giải pháp để cung cấp SGK cho học sinh, các đối tượng chính sách xã hội, học sinh, các nhà xuất bản giáo dục cung cấp các bản sách giảm miễn phí để học sinh có thể tiếp cận được ngay từ khi bắt đầu; chỉ đạo Nhà xuất bản tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu xuất bản theo hướng tinh gọn nhân sự bộ máy… 

Minh Ngọc - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/khoi-thong-cac-dong-von-quyet-liet-trong-giai-ngan-dau-tu-cong-d183076.html