Không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học mới

30/08/2022 08:02

Kinhte&Xahoi Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học mới.

Ngày 29/8, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố về việc triển khai các hoạt động đầu năm học 2022-2023. Lễ khai giảng năm học 2022-2023 sẽ diễn ra thống nhất trên cả nước vào sáng 5/9/2022.

Ảnh minh họa

Giám đốc sở giáo dục và đào tạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của ngành giáo dục với chủ đề năm học: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương năm học 2022-2023 và những năm học tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế tuyển dụng giáo viên cho các môn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Các sở giáo dục và đào tạo chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định; rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, sửa chữa, nâng cấp trường học, lớp học, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.

Bộ GD&ĐT lưu ý về việc đón học sinh đầu cấp và tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Theo đó, các địa phương chỉ đạo cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học, tổ chức cho học sinh tìm hiểu truyền thống và các hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường, giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp; tổ chức khai giảng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường ổn định và duy trì nề nếp học tập ngay sau lễ khai giảng; chú trọng xây dựng văn hóa học đường; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, trong đó lưu ý các giải pháp chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học, chú trọng các nội dung thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động dạy thêm, học thêm; quản lý và sử dụng sách tham khảo...

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khong-de-xay-ra-tinh-trang-thieu-sach-giao-khoa-dau-nam-hoc-moi-204561.html