Không tăng học phí, giảm gánh lo cho phụ huynh sau đại dịch

24/09/2022 15:36

Kinhte&Xahoi Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm học mới đến trong nỗi lo lắng của nhiều gia đình trẻ. Đặc biệt là những gia đình đông con trong tuổi cắp sách đến trường. Vì vậy, quyết định không tăng học phí năm học 2022 - 2023 của Hà Nội và nhiều trường đại học khiến không ít phụ huynh thở phào nhẹ nhõm.

Giảm gánh lo…

 Chị Nguyễn Thu Thủy, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Có 3 con đều đang ở lứa tuổi học sinh phổ thông nên cứ đầu năm học mới là gia đình tôi toát mồ hôi hột. Đặc biệt sau mấy năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, gia đình phải chi tiêu cả vào tiền tiết kiệm khiến kinh tế càng khó khăn hơn.

Vì vậy, quyết định không tăng học phí năm học này của thành phố khiến chúng tôi vô cùng phấn khởi. Nhờ vậy, gia đình tôi bớt được một khoản chi phí đáng kể hàng tháng”.

Học sinh trường Mầm non Đa Sỹ trong giờ học

Có thể nói, thông tin Hà Nội giữ nguyên mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học trước khiến không chỉ gia đình chị Thủy mà tất cả phụ huynh Hà Nội đều mừng vui. Cụ thể, ngày 12/9/2022, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023.

Mức học phí năm học 2022-2023 chia theo ba vùng. Ở vùng thành thị (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các phường và thị trấn), học phí bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là 300.000 đồng/học sinh/tháng.

Ở vùng nông thôn (trên địa bàn các xã, trừ các xã miền núi), học phí bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là 100.000 đồng/học sinh/tháng; trung học phổ thông là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (trên địa bàn xã miền núi), học phí bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là 50.000 đồng/học sinh/tháng, trung học phổ thông là 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tăng học phí của năm học 2022-2023 là quy định phải thực hiện theo lộ trình Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Mức học phí mà thành phố Hà Nội xây dựng là mức sàn của Nghị định.

Ngân sách của thành phố sẽ cấp bù phần chênh lệch tăng so với năm học trước và tiếp tục hỗ trợ 50% mức học phí cho cả năm học 2022-2023. Với số tiền hơn 1.100 tỷ đồng, Hà Nội là địa phương dành nhiều ngân sách nhất cả nước để hỗ trợ học phí.

Sở GD&ĐT Hà Nội còn có chỉ đạo rõ ràng với các đơn vị khi thực hiện các khoản thu ngoài học phí. Năm học 2022-2023, với các khoản thu ngoài học phí các trường công lập vẫn áp dụng theo Quyết định số 51/ 2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, gồm: Bán trú, học 2 buổi/ngày, nước uống cho học sinh, học phẩm, dạy thêm, học thêm…

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Bảy khoản tiền mà ban đại diện không được thu cũng được công khai, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp, trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Mua máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng

 Không chỉ với phụ huynh và học sinh phổ thông, học phí cũng là mối bận tâm lớn của nhiều sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Để chia sẻ khó khăn với sinh viên sau dịch, nhiều trường đại học cũng có quyết định không tăng học phí năm học này.

Sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân

Là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hoàng Minh Hải (Thường Tín, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui khi biết nhà trường không tăng học phí trong năm học này. Hải chia sẻ: “Gia đình em làm nông nghiệp, em cũng chưa tìm được việc làm thêm nào có thu nhập giúp đỡ bố mẹ nên việc chưa tăng học phí của nhà trường sẽ giảm gánh nặng cho bố mẹ em rất nhiều”.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở đào tạo thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Vì thế, học phí là nguồn thu chính của trường này. Tuy nhiên, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường vẫn giữ ổn định mức học phí trong 4 năm liên tiếp. “Chúng tôi mong muốn chia sẻ với phụ huynh và sinh viên trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra”, GS.TS Phạm Hồng Chương bày tỏ.

Để giữ được mức học phí ổn định trong 4 năm qua, một phần nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm chi phí vận hành, chi phí học tập cho người học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ sinh viên khó khăn để các em yên tâm học tập.

Theo đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mức thu 16 - 22 triệu đồng học phí/năm/sinh viên chính quy. Với chương trình đặc thù, học phí từ 45 - 65 triệu đồng. Mức học phí này được nhà trường áp dụng từ năm 2019 và thấp hơn chi phí đào tạo thực tế.

Cùng với Đại học Kinh tế Quốc dân, nhiều trường đại học khác trên cả nước cũng không tăng học phí trong năm học 2022 - 2023 như: Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Đại học Nha Trang.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, các trường đại học hoãn tăng học phí trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 là thể hiện trách nhiệm xã hội, đồng thời góp phần bình ổn, kiểm soát lạm phát. Đây là lúc mọi người nên chia sẻ với nhau, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khong-tang-hoc-phi-giam-ganh-lo-cho-phu-huynh-sau-dai-dich-206488.html