Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm Dần?

30/01/2022 11:20

Kinhte&Xahoi Nhận định về thị trường bất động sản năm 2022, nhiều chuyên gia có cái nhìn tương đối khả quan.

Thị trường sẽ vươn lên mạnh mẽ và khả năng sẽ xác lập thêm một mốc giá mới tại khắp các vùng miền.

Bức tranh bất động sản năm 2001 nhiều mảng xám

Năm 2021, bất động sản (BĐS) là lĩnh vực nhạy cảm và chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề từ dịch COVID-19, nhất lại tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Các địa phương này đã thực hiện giãn cách xã hội trong suốt một thời gian dài khiến cho việc giao dịch về BĐS gần như bị đóng băng.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là với những doanh nghiệp non trẻ, nhỏ đã phải đóng cửa vì không thể trụ vững với chi phí thuê mặt bằng, trả lương để duy trì bộ máy trong suốt nhiều tháng của mùa dịch. Nhiều “ông lớn” cũng lao đao, như ngồi trên đống lửa vì dự án ngưng trệ, không bàn giao được nên không thu tiền được từ khách hàng, trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả đều đặn… Không ít doanh nghiệp đã phải chuyển hướng đầu tư ra các địa phương khác ít dịch hoặc không có dịch như Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc hay các tỉnh miền Trung, miền Bắc để xoay vòng vốn, kiếm lợi nhuận, cứu vãn tình hình kinh doanh.

Bất động sản tại TP Hồ Chí Minh vẫn được các chuyên gia kỳ vọng sẽ cất cánh trong năm 2022.

Bên cạnh đó, một điều khiến nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP Hồ Chí Minh phải tìm “con đường sống” cho mình đó chính là suốt nhiều năm qua, phần quỹ đất ngày càng eo hẹp, giá vốn đầu tư quá lớn, lợi nhuận lại bão hòa. Đặc biệt là TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được gỡ được “nút thắt” tồn tại bất cập về tiền sử dụng đất tại các dự án. Việc chậm trễ, thậm chí có sự “nhút tay” của cơ quan chức năng trong việc tiến hành các thủ tục đã khiến cho rất nhiều dự án dù đã bàn giao căn hộ cho khách hàng nhiều năm nhưng vẫn không thể ra sổ.

Doanh nghiệp cũng như Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đã rất nhiều lần kiến nghị lên Thành phố, lên Trung ương nhưng vẫn chưa được tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp đã đề nghị được Thành phố tạm tính, xin cho được đóng tiền sử dụng đất nhưng kết quả vẫn không mấy khả thi.

Kỳ vọng "sau cơn mưa trời lại sáng"

Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận là suốt nhiều tháng trời thị trường đóng băng vì chìm trong dịch COVID, các doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để thích ứng linh hoạt. Không đến trụ sở công ty không có nghĩa là nghỉ ngơi, là ngưng hoạt động, các doanh nghiệp vẫn miệt mài lao động tại nhà, lên kế hoạch, phương án, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất có thể để chờ ngày “bung lụa” khi dịch bệnh qua đi.

Điều đó được thể hiện rõ khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa từ đầu tháng 10/2021, khi các địa phương xung quanh cũng bỏ dần các quy định “ngăn sông cấm chợ”. Không chỉ toàn bộ nền kinh tế được vận hành trở lại mà lĩnh vực BĐS cũng đã nhập cuộc với một tâm thế đầy ấn tượng. Việc bứt tốc này được ví như chiếc lò xo bị dồn nén lâu ngày, khi hết dịch đã vươn lên mạnh mẽ, tạo nên cơn sốt thị trường mới không chỉ tại địa bàn các thành phố lớn mà còn diễn ra tại các tỉnh, thành khác.

Đợt sóng mới của BĐS được lan rộng, trải dài như thời gian gần đây, không chỉ xuất phát từ việc chủ đầu tư bung các sản phẩm mới mà các nhà đầu tư khác cũng góp một phần mạnh mẽ. Bởi đây là kênh đầu tư luôn hấp dẫn, thu hút được người mới tham gia, khi các lĩnh vực khác mang lại nguồn lợi nhuận không mấy mặn mà.

Sóng BĐS lan về cả các vùng nông thôn ở nhiều tỉnh, thành mà trước đây nói về BĐS thì mọi người gần như lắc đầu vì đó chỉ là cục đất khô cằn, không biết phải làm gì để sinh lời. Thế nhưng ngày nay, khái niệm về cục đất khô cằn ấy đã chuyển thành cục đất vàng, khi mà một lực lượng không hề nhỏ các nhà môi giới BĐS bỏ phố về quê sau dịch và bắt đầu khai thác thị trường nơi đây. Họ kết hợp với nhau, tạo nên cơn sóng mới về BĐS tại nhiều vùng nông thôn. Có những nơi nhà nhà, người người đua nhau làm môi giới BĐS, khiến cho giá đất chỉ từ vài trăm triệu lên cả tỉ đồng chỉ trong vài tháng sau dịch.

Song song đó, những sản phẩm của các ông lớn BĐS tại các địa phương cũng nhanh chóng hút hàng, tạo nên thanh khoản thị trường sau dịch rất lớn như Bà Rịa- Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai...

Nhận định về thị trường BĐS năm 2022, nhiều chuyên gia chiến lược có cái nhìn tương đối khả quan rằng, thị trường sẽ vươn lên mạnh mẽ và khả năng sẽ xác lập thêm một mốc giá mới tại các thành phố lớn cũng như ngay tại các vùng nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng thị trường BĐS vẫn cho thấy nhiều chỉ số khả quan cho tăng trưởng như giá BĐS không giảm, nhu cầu cao, thu hút vốn đầu tư lớn. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào BĐS tương đối dồi dào.

Sở dĩ các chuyên gia có nhận định này là vì sau dịch, thị trường đã rất hưng phấn, thanh khoản cao và có những thương vụ kỷ lục mới về giá đất trong đấu giá. Cụ thể vào đầu tháng 12/2021, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra bán đấu giá 4 lô đất với diện tích khoản 3 ha tại khu đô thị Thủ Thiêm thu về gần 38.000 tỉ đồng. Trong đó có khu đất diện tích 10.000 m2, có giá lên tới 2,4 tỉ đồng/m2 do Công ty CP Ngôi Sao Việt của tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá, đã đưa về cho nhà nước hơn 1 tỉ USD.

Điều đó cho thấy, thực tế, các ông lớn về BĐS đã nhìn nhận về giá trị thực tại và tương lai của đất đai ở khu vực này, khi dám tự tin đấu lên gấp nhiều lần giá khởi điểm. Sau sự kiện chấn động này, giá nhà, đất tại TP Thủ Đức đã rậm rịch tăng giá, nhiều chỗ bị hét giá cao ngất ngưỡng so với trước đấu giá… 

 Hoàng Qúy - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngang nhiên xây tường rào bít mặt tiền, cổng nhà hàng xóm?

Bức tường cao 2m, dài 7m chình ình ngay trước mặt tiền ngôi nhà của người dân tại ngách 52/28 Tô Ngọc Vân, P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý. Vụ việc kéo dài khiến người dân chật vật đi lại không thể dọn đến nơi ở mới, gây bất bình dư luận.

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/kich-ban-nao-cho-thi-truong-bat-dong-san-nam-dan-d175643.html