Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ

27/06/2022 20:15

Kinhte&Xahoi Bức tranh kinh tế Hà Nội trong 6 tháng đầu năm có nhiều điểm nổi bật do Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế. Dự kiến, GRDP của Hà Nội quý II tăng 9,49%; GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,79%, con số này gấp 1,32 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (5,91%).

Dự kiến GRDP 6 tháng tăng 7,79%

Triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong chương trình hành động của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã phân công 170 nhiệm vụ cụ thể tới các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã.

Đánh giá của UBND Thành phố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản xuất, kinh doanh của Hà Nội hồi phục mạnh mẽ. Bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm nổi bật: Cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo; kinh tế phục hổi mạnh mẽ, nhất là thương mại, dịch vụ; xuất khẩu phục hồi mạnh; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động tăng cao hơn cùng kỳ…

Dự kiến, GRDP của Hà Nội quý II tăng 9,49%; GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,79%, con số này gấp 1,32 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (5,91%).

Nhiều ngành tăng trưởng đã giúp Thành phố bảo đảm các cân đối lớn về kinh tế, như: Dịch vụ tăng 9,05%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,31%, nông nghiệp tăng 2,39%, thuế sản phẩm tăng 4,55%...

Nhiều ngành tăng trưởng đã giúp Hà Nội bảo đảm các cân đối lớn về kinh tế. (Ảnh: Gia Huy)

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 170.985 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán, bằng 115,5% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 41.013 tỷ đồng, đạt 38,4% dự toán năm và bằng 136,9% so với cùng kỳ

Cũng trong 6 tháng, xuất khẩu của Hà Nội phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì mức tăng cao. Lũy kế 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.500 triệu USD, tăng 19,5% (cùng kỳ tăng 4,5%). Một số nhóm hàng có tỷ trọng lớn và tăng cao như: Hàng dệt may; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện chiếm; gỗ và sản phẩm từ gỗ...

Thực hiện nhiều giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, ngay từ đầu năm, Thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, do đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh và mạnh mẽ.

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được Thành phố xác định và triển khai, hiệu quả đem lại là kinh tế Thủ đô trong 6 tháng đầu năm phục hồi tích cực, GRDP đạt 7,79%, hướng đến mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2022 (mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 7-7,5%).

Giải pháp đầu tiên Hà Nội thực hiện mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Hà Nội cùng cả nước đã thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn trong trạng thái bình thường mới; hoạt động dịch vụ du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3, đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế.

Hệ thống y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp, ngày 6/5/2022, Thành phố đã ban hành Kế hoạch về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong đó, lĩnh vực Y tế dự kiến đầu tư 237 dự án với kế hoạch vốn trên 10.400 tỷ đồng.

Giải pháp thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn, ủy quyền các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời, chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ đối với các chính sách; hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và số 126/NQ-CP, Hà Nội đã hỗ trợ 2,631 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 với kinh phí trên 2.530 tỷ đồng. Hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ số 116/NQ-CP, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã chi trả cho trên 3,239 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền trên 4.850 triệu đồng.

Ước tính, đến 30/6, dư nợ từ nguồn vốn Trung ương cho vay các chương trình tín dụng chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tại Hà Nội đạt 58 tỷ đồng với hơn 1.000 khách hàng.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phục hồi trở lại.

Hà Nội cũng thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính, Thành phố đã khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Kết quả 5 tháng đầu năm 2022, giảm VAT 2% đối với gần 42.000 doanh nghiệp, đạt 43% so với kế hoạch; giảm thuế VAT 2% phân theo ngành kinh tế giảm trên 1.730 tỷ đồng. Trong đó, bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 413 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được giảm 311 tỷ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa giảm 115 tỷ đồng... Tổng giá trị thuế VAT được giảm trừ 2% là 1.734 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch.

Giảm 20% mức tỷ lệ % khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với 33 doanh nghiệp, 3.954 cơ sở kinh doanh. Đã hỗ trợ giảm 88 tỷ đồng đối với cơ sở, hộ, cá nhân kinh doanh (phân theo ngành kinh tế).

Thành phố cũng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/5/2022 ước đạt trên 2.600 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với 31/12/2021.

Một nhiệm vụ khác Hà Nội đã thực hiện là thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 312 triệu USD, trong đó có 129 dự án mới với số vốn 96 triệu USD, 69 dự án bổ sung vốn đầu tư với số vốn 216 triệu USD; chấp thuận 146 hồ sơ góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 391 triệu USD.

Trong 5 tháng đầu năm, Thành phố cấp Giấy chứng nhận cho trên 11.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là trên 144.000 tỷ đồng (tăng 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 5% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là trên 334.000 doanh nghiệp.

Bên cạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, Thành phố còn một số tồn tại về nhiệm vụ được giao năm 2022. Trong đó, ngành y tế chậm triển khai thực hiện đầu tư hệ thống hạ tầng y tế; một số chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Trung ương chậm được ban hành, hướng dẫn thực hiện, nên chưa góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,04% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ (tăng 0,97%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%. Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 12%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 56%) vẫn tăng cao hơn so với số doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 6%).

Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp; đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại, xất nhập khẩu bền vững và các cân đối về điện, xăng dầu; phấn đấu kiểm soát chỉ số giá dưới 4%.

 Gia Huy  - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://laodongthudo.vn/kinh-te-thu-do-phuc-hoi-manh-me-142195.html