Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Khắc họa một Quốc hội năng động, trách nhiệm cao với đất nước

13/01/2022 11:39

Kinhte&Xahoi Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV là kỳ họp bất thường đầu tiên được tổ chức trong lịch sử 76 năm Quốc hội Việt Nam. Bên cạnh ý nghĩa đó, kỳ họp còn đáp ứng đòi hỏi bức thiết của cuộc sống; Tinh thần của kỳ họp đã tạo ra khí thế mới, thời cơ mới, củng cố niềm tin vững chắc trong Nhân dân.

Quang cảnh kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Trải qua 4,5 ngày làm việc, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra với việc xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, nhằm giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh cấp bách được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Trong đó, chính sách tài khóa tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng là chính sách bổ sung ngoài khung chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định; Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với đại dịch COVID-19.

Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai đầu tư công cũng như đầu tư tư, qua đó góp phần huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng, hướng đến khát vọng về đất nước Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Sau hai năm đất nước đối mặt với đại dịch COVID-19, những quyết sách mạnh mẽ và kịp thời của Quốc hội và cả hệ thống chính trị đã thể hiện sự chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội và Chính phủ trước đòi hỏi của thực tiễn.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, kỳ họp bất thường của Quốc hội đã quyết định những vấn đề cấp bách, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Đó cũng là niềm mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.

“Chúng tôi đánh giá rất cao kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra trong lúc nước ta đang phấn đấu và nỗ lực trong việc phòng, chống dịch COVID-19 nhưng vẫn phải bảo đảm phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đúng thời điểm này, các quyết sách mang tính kịp thời, linh hoạt sẽ giúp cho kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh bứt phá trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đó là tín hiệu đáng mừng đối với cộng đồng doanh nghiệp bởi chính sách nào không phù hợp hoặc trái với quy định đều được Quốc hội yêu cầu Chính phủ thay đổi cho phù hợp”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội mong muốn những kỳ họp như thế này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Bởi chính những kỳ họp như vậy sẽ giúp chúng ta có những sự điều chỉnh kịp thời hơn; Tạo ra luồng sinh khí mới trong cách làm việc, không cứng nhắc trong việc thay đổi các điều luật, nghị định, thông tư cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Còn theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đây là kỳ họp rất cần thiết trong bối cảnh mới hiện nay là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Những nội dung Chính phủ trình Quốc xem xét đều là những vấn đề quan trọng, cần giải quyết ngay

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta không chỉ trông chờ, dựa vào gói tài khóa, tiền tệ mà Quốc hội có thể sẽ thông qua lần này. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải triển khai đồng bộ 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đã được trình bày tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vào ngày 5/1 vừa qua; Theo đúng chủ đề năm 2022 mà Chính phủ xác định là: Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển.

Toàn cảnh bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV chỉ được quyết định tổ chức sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt với yêu cầu cao nhất là bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội. Quyết định này cũng cho thấy bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hơn hết là đặt người dân ở vị trí trung tâm của mọi quyết sách của Quốc hội.

Đây cũng là kỳ họp đầu tiên thực hiện họp trực tuyến cả kỳ, đồng thời áp dụng biểu quyết bằng hệ thống điện tử được cài đặt trên máy tính bảng của đại biểu. Việc mạnh dạn áp dụng công nghệ không chỉ thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mà còn là những bước đi nhằm cụ thể hóa việc xây dựng Quốc hội điện tử, khắc họa một Quốc hội năng động, trách nhiệm cao trước đất nước, đồng bào và cử tri.

Như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận định, kỳ bọp bất thường lần thứ nhất là bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Cùng với các chính sách mới được ban hành, tinh thần đổi mới từ kỳ họp này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2022 và xa hơn, là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khac-hoa-mot-quoc-hoi-nang-dong-trach-nhiem-cao-voi-dat-nuoc-187900.html