Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến diễn ra đầu tháng 7/2022

19/04/2022 09:35

Kinhte&Xahoi Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho phù hợp với tình hình dịch COVID-19 và đảm bảo tiến độ học tập của thí sinh.

Thông tin này được TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT chia sẻ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 diễn ra ngày 17/4 tại trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP Hồ Chí Minh).

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Tại đây, thông tin thêm về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT cho biết: Về thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến các sở để thống nhất thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp với tình hình dịch COVID-19 và đảm bảo tiến độ học tập của thí sinh. Dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra vào các ngày 6, 7, 8 tháng 7/2022

"Năm 2022, tất cả học sinh đang học THPT tại các trường phải đăng ký dự thi trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia. Do đó, thí sinh không còn đăng ký dự thi trên giấy như mọi năm. Tuy vậy, nhóm đối tượng thí sinh tự do vẫn phải đăng ký dự thi trên giấy và gửi tại các điểm tiếp nhận hồ sơ theo quy định của các sở Giáo dục và Đào tạo để nhập dữ liệu lên hệ thống", TS Hùng nói.

Đối với việc đăng ký các môn thi, khoảng cuối tháng 4/2022, hệ thống sẽ mở hướng dẫn thí sinh thực hành đăng ký dự thi. Sau đó, hệ thống sẽ xóa hết dữ liệu thí sinh đã đăng ký thử để thí sinh đăng ký chính thức, dự kiến vào ngày 28, 29/4 đến 12/5.

Còn việc xét tốt nghiệp THPT và tổ chức thi đều như năm trước. Đề thi chủ yếu kiểm tra kiến thức lớp 12. Hiện, Bộ đã công bố đề thi minh họa giúp thí sinh tham khảo, ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi.

Ngoài ra, thông tin thêm về quy chế tuyển sinh đại học, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022 có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhưng cơ bản đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Năm nay, tất cả nguyện vọng của thí sinh đăng ký ở các trường dù bất kỳ phương thức nào cũng đăng ký trên hệ thống. Sau khi có kết quả thi THPT, các trường phải đẩy dữ liệu lên hệ thống chung để lọc ảo.

Toàn bộ việc xét tuyển độc lập của các trường đều đẩy lên hệ thống để Bộ lọc ảo chung. Và như năm 2021, tất cả nguyện vọng của thí sinh được sắp xếp thứ tự từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.

Khi lọc ảo, thí sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng cao nhất ở tất cả nguyện vọng, ở tất cả các trường. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, trong quy chế quy định tất cả các trường khi điều chỉnh chỉ tiêu cho các phương thức khác nhau phải có lộ trình.

Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ không cần phải gửi bản sao học bạ cho các trường mà đã có sẵn dữ liệu, các trường chỉ cần lên hệ thống lấy thông tin về điểm của thí sinh nhằm phục vụ cho công tác xét tuyển.

Ngọc Minh - Pháp luật Plus 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-du-kien-dien-ra-dau-thang-72022-194344.html