Thầy mo đọc sử thi Đẻ đất đẻ nước và cầu mong thần linh gia hộ cho gia chủ
Khi gia đình có gì đó bất an, không may mắn hoặc làm ăn không như ý thì gia chủ sẽ làm lễ giải hạn. Tôi đã có mặt trong buổi lễ giải hạn độc đáo của một gia đình họ Đinh ở xứ này.
Từ 5h sáng, mọi người trong gia đình đã dậy chuẩn bị cho ngày lễ trọng dự kiến sẽ bắt đầu từ 8h sáng cho đến hết ngày.
Trên mâm cúng buổi sáng có ba nắm xôi, trứng và con dao sắc nhọn. Con dao này sẽ dùng để giết chó tế thần linh
7h, thanh niên trai tráng và họ hàng đã đến với những bó nứa để làm đàn và dàn bày cỗ cúng. Sáng cúng chay, chiều cúng mặn. Bàn thờ nứa được dựng lên với một ống nứa dài kèm một dải khăn trắng nối từ mái nhà đến sàn nhà. Theo các bậc lão niên thì đây là sợi dây tâm linh để dẫn nối Mường Trời với thế giới thực tại.Trên mâm cúng này có một chiếc dao sắc nhọn, ba gói xôi trắng và trứng luộc, rượu và nhang được bày lên.
Thầy mo đến từ sớm để kể sử thi Đẻ đất đẻ nước bằng tiếng mường và cung thỉnh thần linh về chứng giám và gia hộ cho các thành viên trong gia đình.
Rất nhiều đồ ăn chay được cúng buổi sáng.
Cúng chay có những món bản địa đặc sắc, mà lạ nhất là các món được chế biến từ cây đu đủ. Từ lá, hoa đến quả đều được chế biến thành các món để cúng thần linh xong thì con cháu thụ lộc.
Khách đến dự, các bà các mế mỗi người mang theo một con gà sống be bé thả vào chuồng gà của chủ nhà như một hình thức góp cỗ.
Sau cỗ chay là cỗ mặn. Con dao cúng trên bàn thờ sẽ được dùng để giết các con vật cúng tế thần linh. Như một quy ước bắt buộc, lễ cúng giải hạn của dòng họ Đinh, người Mường ở Mai Châu Hòa Bình sẽ giết thịt 1 con chó, một con lợn, 2 con vịt và 12 con gà. 2 con gà sống sẽ được gửi cho thầy mo sau buổi cúng.
Đặc biệt hoa đu đủ là một món ăn rất được đồng bào Mường Mai Châu ưa thích. Nó được chế biến thành món nộm hoặc luộc theo cách riêng của đồng bào
Thịt của chúng sẽ được bày cúng trên dàn nứa cùng các loại thức ăn khác để dâng cúng thần linh. Con chó sẽ được giết trước tiên sau khi có “lệnh” từ thầy cúng. Người giết chó phải là người bên họ ngoại, buộc khăn trắng trên đầu khi thực hiện nghi lễ giết con vật này. Máu chó được đựng trong ống nứa, sau đó sẽ được đổ với một quan niệm mọi xui xẻo sẽ theo đó mà đi.
Một điểm nữa là trong lễ giải hạn, người sống sẽ phải cúng quần áo cho người chết để mong được chở che, phù hộ. Cứ vậy thầy cúng sẽ đọc sử thi, các bài cúng từ sáng cho đến khi kết thúc buổi lễ. Con cháu trong gia đình không nhất thiết phải ngồi quỳ lạy mà chỉ để một cái áo của mình ở nơi hành lễ.
Thịt chó, lợn, gà và các vật phẩm khác sẽ được bày lên trên bàn thờ là dàn mâm tre lót lá chuối thế này để cúng thần linh
Cúng xong, chỉ có trai gái còn trinh nguyên, chưa vợ chưa chồng mới được ngồi ăn ở mâm trên cùng thầy mo. Còn lại phải ngồi mâm dưới của nhà sàn. Ai nấy đều hoan hỷ, ăn cơm uống rượu trong rổn rảng tiếng cười cho đến khi tàn cuộc. Lễ giải hạn kết thúc trong một ngày với những nghi thức tâm linh độc đáo.
Cạnh đó là những món ăn cũng vô cùng lạ, như các món làm ra từ lá và hoa đu đủ. Tất cả hòa quyện trong nghi lễ, trong lời cúng thầy mo tạo ra một nét văn hóa tâm linh đẹp trong văn hóa Mường nói chung và của ngưòi Mường ở Mai Châu nói riêng...