Lạm dụng test nhanh Covid-19: Lãng phí!

25/02/2022 14:08

Kinhte&Xahoi Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục gia tăng với khoảng 7.000 đến hơn 8.000 ca/ngày. Thực tế đó khiến nhiều người lo lắng, tìm mua các loại kít-test nhanh SARS-CoV-2 trên thị trường về để ngày nào cũng tự test. Theo các chuyên gia y tế, đây là việc làm lãng phí.

Bộ Y tế đang nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa test xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá.

Test nhiều chỉ... tốn kém

Do nhu cầu của người dân gia tăng nên những ngày gần đây, tại Hà Nội xuất hiện dấu hiệu khan hiếm test xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Tình trạng này đã khiến giá kít-test tăng từ 20.000-30.000 đồng/bộ. Nếu như cách đây một tuần, giá kít-test nhập ngoại từ Hàn Quốc từ 50.000-60.000 đồng/bộ, loại của Trung Quốc từ 40.000-50.000 đồng/bộ, thì sang tuần này giá đã tăng lên 70.000-80.000 đồng/bộ. Thậm chí, giá các loại kít-test của Anh, Đức, Pháp còn lên tới 90.000-100.00 đồng/bộ…

Do tính chất công việc, anh N.H (ở quận Hà Đông, Hà Nội) phải test Covid-19 mỗi tuần 1 lần. Thời gian gần đây, con trai anh cũng trở lại trường học và được khuyến khích test 2 lần/tuần nên gia đình anh phải sử dụng rất nhiều que test. Trước đây, anh vẫn mua 300.000 đồng/hộp (5 que test), xuất xứ Hàn Quốc. Tuy nhiên, cuối tuần qua, anh hỏi các mối mua quen đều được thông báo đã hết hàng. 

Sau khi con gái mắc Covid-19, chị L.T.H (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng chồng và con trai trở thành F0, còn bố mẹ chồng được cách ly nghiêm ngặt vì trở thành F1. Do lo lắng nên ngày nào chị H cũng yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình phải test nhanh Covid-19. Trong hơn 10 ngày điều trị F0 và cách ly F1, gia đình chị H đã phải bỏ ra khoản chi phí hơn 3 triệu đồng mua test xét nghiệm.

Trước thực tế đó, ngày 25-2, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, việc người dân lạm dụng test xét nghiệm là lãng phí. Đơn cử, nhiều trường hợp vừa tiếp xúc với F0 buổi sáng đến buổi chiều đã test Covid-19 thì không giải quyết được việc gì mà gây tốn kém. Do đó, ngay cả khi tiếp xúc gần với F0 cũng không cần thiết phải xét nghiệm ngay.

 Nhiều người dân đang lạm dụng test xét nghiệm nhanh gây lãng phí.

“Ít nhất phải 2 ngày sau khi tiếp xúc gần với F0, khi test mới có thể cho kết quả dương tính. Nếu xét nghiệm lần đầu âm tính thì tối thiểu phải 2-3 ngày sau mới test lần 2. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin phòng Covid-19 thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng. F1 này chỉ cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, người dân không nên quá lo lắng để ngày nào cũng làm xét nghiệm. Bởi vì vi rút cần có thời gian để nhân lên. Vừa tiếp xúc với F0 đã vội vàng xét nghiệm thì kết quả xét nghiệm sẽ không có giá trị. Thậm chí, ngay cả khi xét nghiệm nhanh bị dương tính cũng không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR. Việc test xét nghiệm xuất hiện vạch màu đậm hoặc nhạt cũng không nói lên được là lượng vi rút nhiều hay ít mà phải có ý kiến của các chuyên gia hoặc nhân viên y tế xác định. 

“Nếu quá lạm dụng việc xét nghiệm sẽ dẫn tới tình trạng khan hiếm kít-test và có thể không bảo đảm cho cuộc chiến chống dịch lâu dài này được”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Chỉ mua và test khi có nhu cầu

Hiện, Bộ Y tế đã hướng dẫn rất cụ thể đối với trường hợp nguy cơ (F1), trường hợp bị nhiễm (F0), công khai trên cổng thông tin điện tử. Người dân cần nghiên cứu các hướng dẫn này, mua và sử dụng kít xét nghiệm khi cần. Ngoài ra, nên mua và sử dụng kít-test có nguồn gốc rõ ràng, thuộc danh sách sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép, có nhãn mác đầy đủ thông tin và tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tiến sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Đại học Y Hà Nội cho biết, khi tự test nhanh Covid-19 tại nhà, người dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi lấy mẫu. Trước khi lấy mẫu bảo đảm khu vực lấy mẫu đủ thông thoáng, người lấy mẫu phải có phòng hộ cá nhân phù hợp để tránh lây nhiễm. Ngoài ra, kỹ thuật lấy mẫu quyết định trên 90% tính chính xác. Thời gian đọc kết quả phụ thuộc vào loại test nhanh. Thông thường, test nhanh cần khoảng 15-30 phút để cho kết quả. Nếu âm tính, trên khay thử sẽ chỉ xuất hiện một vạch màu đỏ ở chữ C. Nếu dương tính, khay thử sẽ xuất hiện hai vạch ở chữ C và T. Trường hợp khay thử không xuất hiện vạch ở chữ C và T hoặc chỉ xuất hiện vạch ở chữ T, kết quả không có giá trị.

 Người dân mua test xét nghiệm Covid-19 tại hiệu thuốc.

Các chuyên gia lưu ý, kết quả test nhanh còn phụ thuộc vào thời điểm lấy. Chẳng hạn, ở giai đoạn ủ bệnh hay khi vừa tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, người bệnh có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng vi rút thấp. Khi đó, khả năng âm tính cao bởi vi rút chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Hoặc khi tự test, người nghi nhiễm thực hiện sai thao tác, kỹ thuật cũng ảnh hưởng kết quả.

“Rác thải sau khi test nhanh phải được xử lý đúng theo quy định của Bộ Y tế, để trong túi dán kín miệng, sát khuẩn bên ngoài túi với cồn 70 độ hoặc Cloramin B, để vào thùng rác có nắp đậy kín và không để chung với rác thải sinh hoạt. Test nhanh sẵn có, dễ tìm nhưng không nên lạm dụng, gây lãng phí kinh tế, thời gian, gây tâm lý lo lắng. Chỉ nên dùng test nhanh để chẩn đoán khi bạn có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, chảy nước mũi... Lưu ý, nên test lại sau 7 ngày kể từ ngày phát hiện dương tính để kết quả chính xác nhất”, Tiến sĩ Vũ Quốc Đạt khuyến cáo.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. 

 Thu Trang - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngang nhiên xây tường rào bít mặt tiền, cổng nhà hàng xóm?

Bức tường cao 2m, dài 7m chình ình ngay trước mặt tiền ngôi nhà của người dân tại ngách 52/28 Tô Ngọc Vân, P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý. Vụ việc kéo dài khiến người dân chật vật đi lại không thể dọn đến nơi ở mới, gây bất bình dư luận.

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1025599/lam-dung-test-nhanh-covid-19-lang-phi