Làm gì để nâng cao chất lượng học online?

12/11/2021 10:34

Kinhte&Xahoi Gần 2 năm kể từ khi COVID-19 xuất hiện, cuộc sống của hầu hết mọi người đều ít nhiều bị xáo trộn.

Học online mang đến nhiều lợi ích nhưng vẫn tồn tại không ít bất cập.

Với trẻ em, đó là những thời gian dài không được tới trường. Từ chỗ chỉ là giải pháp tạm thời mùa dịch, dần dần việc dạy và học trực tuyến đã trở thành hoạt động quen thuộc hàng ngày của giáo viên và học sinh. Bên cạnh mặt tích cực, việc học online kéo dài cũng có nhiều hệ lụy khiến phụ huynh và cả giáo viên lo lắng.

Phụ huynh lo con nghiện game, trầm cảm

Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh chia sẻ về phương pháp đồng hành cùng con cai nghiện game. Nhiều phụ huynh nói rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến con sa đà vào game chính là giao thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại cho con học online…

Anh Trần Hậu, một phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ: “Con trai tôi học lớp 8, con ngoan nhưng thuộc dạng khó tập trung, bình thường đi học trên lớp theo bài của cô còn khó khăn nên khi học online một mình ở nhà, các con chưa thể tự chủ được trong việc tự học. Thời gian này vợ chồng tôi stress, thử các cách từ kiểm soát màn hình đến camera... chỉ mong các con trở lại trường sớm. Nếu không thì con có thể nghiện game trước khi hết kỳ I năm học này”.

Viện lý do cúp điện, mất mạng để chơi game. Nghỉ giải lao 5-10 phút là tiện thể chơi game luôn và chơi quên tới giờ vào học. Thậm chí vào học nhưng vẫn chơi game được, nên hết giờ học không biết mà vẫn còn ở trong lớp chứ không thoát ra như các bạn… đó là những thực trạng mà phụ huynh bắt quả tang từ chính các con của mình.

Một kết quả khảo sát do Thạc sĩ Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam và cộng sự thực hiện trên 300 học sinh các khối lớp Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Thủ Đức, TP HCM) cho thấy có 102 học sinh nghiện game (chiếm 34%), trong đó có 81 nam và 21 nữ. Nhiều học sinh đã dành từ 4 - 7 giờ mỗi ngày để chơi game.

Theo đó, việc chơi game quá mức và nghiện game dễ làm cho người chơi, đặc biệt là người trẻ mê muội, suốt ngày bị “ám thị” bởi những tình huống, trận chiến, vật phẩm… trong game. Điều này dẫn tới việc giới trẻ không còn thời gian để suy nghĩ, hành động tích cực. Đây cũng đang là vấn đề nhức nhối khi xảy ra nhiều vụ án liên quan. Đơn cử như tháng 10-11/2020, tại tỉnh Thanh Hóa liên tục xảy ra hai vụ trọng án “giết người, cướp tài sản” mà đối tượng gây án là những thanh, thiếu niên ham chơi, nghiện game online.

PGS.TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, tỷ lệ học sinh trầm cảm đang gia tăng, trong đó có nguyên nhân do nghiện game. Đáng chú ý, học sinh, sinh viên trầm cảm do áp lực học hành vào viện điều trị ít hơn nhiều so với trường hợp vào cai nghiện game. Thậm chí, hành vi tấn công bạn học, người thân ở một bộ phận học sinh hiện nay cũng bắt nguồn do nghiện game.

Bệnh viện Quân y 103 từng điều trị cho một thiếu niên 16 tuổi nhưng trí tuệ, tương tác chỉ như một đứa trẻ 5 tuổi. Bác sĩ Nguyễn Tất Định, Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103 kể: “Có trường hợp hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, bố mẹ đã ly hôn, con trai sinh sống cùng mẹ và bà ngoại. Để tiện cho việc học tập của con, người mẹ đã trang bị một bộ máy vi tính. Vì không thể kiểm soát được mọi việc làm của con, dẫn đến con dồn hết thời gian ăn uống, học tập vào việc chơi game, lâu dần bị nghiện. Khi tiếp nhận trường hợp này, bệnh viện đã điều trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với nhóm thuốc an thần nhẹ”. Bác sĩ Nguyễn Tất Định cho rằng, ranh giới giữa việc chơi game và nghiện game hết sức mong manh. Trong thời đại ngày nay, nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam có xu hướng gia tăng, rất đáng báo động.

Phụ huynh không thể ngoài cuộc

Theo GS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM, nghiện game online hay ngồi quá lâu trước máy tính hằng ngày thường để lại những di chứng về cơ thể. Đó là sử dụng lặp đi lặp lại và liên tục internet vào việc chơi các trò chơi trực tuyến dẫn đến sự phụ thuộc bất chấp những hậu quả về mặt tài chính, sức khỏe và tinh thần.

Học trực tuyến từ chỗ tạm thời trở thành giải pháp dạy học trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngoài ra, việc dùng lâu bàn phím có thể dẫn tới những chấn thương các ngón tay không đáng có, các bệnh về cột sống, tình trạng khô mắt, gây ra những tác động xấu đối với sự phát triển hình thể và trí não của trẻ. Điều này dễ dẫn đến sự nhận thức sai về giá trị sống, xác định phong cách sống quái lạ và tính ích kỷ, tự tôn. Điều đáng lo ngại hơn khi nhiều cha mẹ chỉ thực sự tá hỏa khi biết con học hành sa sút vì cày game, mệt mỏi, xa lánh mọi người. Trước đó họ cứ ngỡ con đang miệt mài học hành bên máy tính, điện thoại.

Tại Hội thảo “Nghiện internet ở thanh - thiếu niên Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em thuộc Công ty Tâm lý học ứng dụng cho hay, giải pháp bền vững nhất để lứa tuổi học sinh không nghiện game là phải tác động đến thái độ sống, thay đổi nhận thức của các em. Và cha mẹ luôn phải là hậu phương gần gũi, luôn ở bên để biết con đang làm gì, trước khi quá muộn.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan cho rằng, phụ huynh cần trao đổi với trẻ bằng thái độ thẳng thắn nhưng tránh gay gắt. Hỏi con những trò chơi trên mạng mà con đang chơi thì bạn bè có thích không, có tốn tiền không? Đồng thời, trao đổi với con, nếu trò chơi chỉ đơn giản là vui, giúp giải tỏa căng thẳng sau giờ học, không bạo lực, không tốn tiền, không giao lưu với những hành vi xấu thì cha mẹ sẵn sàng ủng hộ. Nhưng nếu con chơi những trò chơi ảnh hưởng trên, cha mẹ không chấp nhận… Với những trao đổi này, tùy vào câu trả lời của con mà cha mẹ có sự giám sát chặt chẽ hơn. Đặc biệt, đối với điện thoại, cha mẹ nên trao đổi với con về thời gian sử dụng.

Học online, dễ hay khó là tùy thuộc ở giáo viên, học sinh và phụ huynh

Theo một khảo sát gần đây từ Kaspersky, 55% trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch. Có tới 74% trẻ không thích nghi được với việc học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. 57% học sinh thấy bài giảng khó hiểu hơn so với việc học trên lớp... Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Học online: Dễ hay khó?” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em thực hiện đầu tháng 11, đã có rất nhiều ý kiến từ giáo viên, học sinh, phụ huynh về vấn đề này.

Cô Nguyễn Thị Chỉnh - Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội)

“Bên cạnh những trải nghiệm mới, chúng tôi cũng gặp những khó khăn, ví dụ như đường truyền mạng, sự tập trung của các con, đặc biệt là các bạn từ lớp 1 đến lớp 3 chưa quen với các thiết bị công nghệ, các cô không tương tác, tiếp xúc được nhiều với các con, hoặc có nhiều sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc kết nối với phụ huynh cũng rất khó khăn trong khi lúc này rất cần thầy cô và phụ huynh phải phối hợp để hỗ trợ các con.

Tôi và các đồng nghiệp đã tự trang bị những kiến thức và kỹ năng để thích ứng với tình hình mới. Bước đầu tiên tôi thường làm là thiết lập nội quy. Nội quy này được thiết lập, thỏa thuận giữa học sinh và giáo viên để đem lại tác động tích cực trong việc học. Nội quy được xây dựng dưới dạng hình ảnh và thực hiện liên tục để các con quen với việc thực hiện nội quy này. Bên cạnh đó, trong quá trình soạn giáo án, cần cân nhắc những nội dung nào đã học, những nội dung nào quan trọng và chú ý vào việc hướng dẫn cho các con đặt câu hỏi cũng như tư duy phản biện. Hiện nay, trong bối cảnh học online, giáo viên cần phải chọn công cụ phù hợp với các con để các con tập trung, cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Bên cạnh đó, việc khen ngợi học sinh cũng là cách để các con có thêm động lực trong việc học, cũng như động lực để các con chủ động kết nối với giáo viên”.

Em Nguyễn Phương Thảo - học sinh Trường THCS thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội:

“Đối với em, mỗi sự khởi đầu đều ít nhiều có khó khăn và học online cũng vậy. Em có gặp một số bất tiện giống như nhiều bạn như: đường truyền không ổn định, việc giảng dạy, tiếp thu cũng bị hạn chế, không tương tác được nhiều với các bạn, khó tập trung trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến sức khỏe như mỏi mắt khi phải làm nhìn máy tính trong một thời gian dài.

Đối với em, em đề cao sự chủ động và ý thức của học sinh. Ở trường em, thầy cô sẽ phát cho học sinh lịch hôm nay mình sẽ học những bài nào và em sẽ dựa trên chương trình đó để tự soạn ra những nội dung em sẽ học, từ đó em có thể xâu chuỗi kiến thức của nhiều bài học liên tiếp. Bên cạnh đó, các môn học sẽ có các nhóm chat và thầy cô sẽ gửi các bài tập cũng như bài giảng lên đó để chúng em có thể xem lại bài giảng của thầy ở lớp”.

Nhà báo Trần Quang Minh – phụ huynh có 3 con đang học online:

“Khi đồng hành cùng con trong việc học online, tôi cũng thấy lo lắng rất nhiều, lo con không nắm được bài, lo rằng cô sẽ không thể hướng dẫn, sát sao với từng bạn nhỏ trong lớp. Đặc biệt, với những bé học lớp 1, điều này lại càng khó khăn. Đối với cậu con trai học lớp 3 của mình, tôi đã thấy được rằng con gặp rất nhiều vấn đề trong việc tiếp thu và hiểu bài. Tôi cũng rất chia sẻ với cái khó của giáo viên để kiểm soát tận 30-40 học sinh trong 1 lớp và các con cũng rất “khổ” khi phải ngồi mấy tiếng đồng hồ trước máy tính.

Trách nhiệm của phụ huynh đó là đồng hành cùng con. Trước tiên là việc cung cấp cho các con các thiết bị đầy đủ để các con học được thuận tiện nhất. Thứ hai là thường xuyên hỏi han con có hiểu bài không, nếu chưa hiểu thì mình có thể liên hệ với cô giáo hay có thể hỗ trợ các con trong việc tự học. Tôi cũng không quá đặt áp lực rằng con phải đạt được thành tích hay điểm nổi trội. Việc đồng hành và truyền năng lượng tích cực cho con trong quá trình học là một việc cực kỳ quan trọng mà phụ huynh cần phải chú tâm. Để các con có thể tập trung trong việc học, tôi nghĩ nên có các hình thức học thú vị hơn như qua video, bài hát, hình ảnh nhiều màu sắc... Việc này sẽ giúp các con có hứng thú nhiều hơn. Việc đầu tư cho bài giảng, về hình ảnh, âm thanh cần được cải tiến để trước tiên, khi các con thích thì các con có hứng thú và học hiệu quả hơn”.

Chuyên gia tâm lý  Nguyễn Hà Thành:

“Trong quá trình học online, cả phụ huynh, trẻ em và giáo viên đều cảm thấy áp lực rất nhiều. Bố mẹ lo rằng con không theo được chương trình, giáo viên lo rằng mình phải truyền đạt hết tất cả các kiến thức quan trọng của bài. Học sinh không chỉ căng thẳng về tâm lý mà còn về cả mặt sinh lý. Việc các con ngồi học mấy tiếng đồng hồ trước màn hình có thể gây ra ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với các con. Và lúc này, chính bố mẹ và giáo viên nên có những biện pháp để giải phóng những căng thẳng cho các con. Cách tương tác giữa giáo viên và học sinh có thể giúp để khắc phục vấn đề này. Thực tế, giáo viên không cần đặt áp lực phải nói hết tất cả kiến thức trong lớp học mà có thể hướng dẫn các con tìm kiếm trên Internet.

Bố mẹ, giáo viên nên giảm áp lực lên trẻ. Việc rèn nền nếp cho con quan trọng hơn việc bắt ép. Chúng ta sẽ phải chấp nhận rằng mức độ tập trung và hiểu bài ở mỗi trẻ, mỗi thời điểm sẽ khác nhau. Cha mẹ đừng nên kiểm soát con, việc này sẽ khiến con có xu hướng nói dối bố mẹ. Giáo viên cũng nên giảm áp lực lên học sinh bằng cách tạo cho con nhiều cơ hội học tập ở nhiều khía cạnh, phương pháp khác, nên phụ thuộc vào tâm lý và sức khỏe của con trẻ để trẻ có thể tiếp nhận cách tốt nhất. Đôi khi áp lực từ cha mẹ, giáo viên chuyển sang con cái, học sinh cao hơn từ anh chị em, bạn bè, nên có thể thử áp dụng phương pháp để anh chị em hoặc bạn bè học cùng nhau, hướng dẫn nhau”.

Xuân Hoa (ghi) 

 Uyên Na - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/lam-gi-de-nang-cao-chat-luong-hoc-online-d170543.html