Làm gì để ngăn chặn doanh nghiệp khoáng sản khai thác lén lút

06/10/2021 09:36

Kinhte&Xahoi Để tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn, huyện Lục Nam yêu cầu chính quyền địa phương phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Thực hiện Công văn số 3036/TNMT-TNKS ngày 07/9/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang về việc tạm dừng hoạt động khai thác vận chuyển khoáng sản (đất san lấp) của 4 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lục Nam. (Công ty TNHH Thương mại Minh Khôi, Công ty Cổ phần Mạnh Tuấn HD, Công ty Cổ phần ĐTXD và tư vấn An Phát, Công ty TNHH thương mại dịch vụ và XD Phú Ngọc).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đấu thầu)

Qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, huyện Lục Nam đã phát hiện một số khu vực mỏ khoáng sản không chấp hành theo chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường, có hoạt động khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự địa phương, cụ thể như: khai thác vượt công xuất khai thác hàng năm, chưa khắc phục tồn tại; sử dụng xe quá khổ, quá tải, vận chuyển không đúng tuyến làm hư hỏng hạ tầng giao thông, có thời điểm hoạt động khai thác không đúng thời gian quy định của địa phương... gây bức xúc trong nhân dân và báo chí phản ánh. 

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn nghiêm túc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các mỏ đã được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản (đất san lấp); các xã tiềm ẩn các đối tượng lợi dụng giấy phép vi phạm như: Huyền Sơn, Bắc Lũng, Nghĩa Phương, Lan Mẫu, Yên Sơn...; kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và giải quyết các đơn thư, kiến nghị, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản tại địa phương. 

Trao đổi nhanh về việc thực hiện chỉ đạo của huyện Lục Nam, ông Trần Quang Tuyến - Chủ tịch UBND xã Huyền Sơn cho biết: Hiện tại Công ty Mạnh Tuấn HD, chúng tôi yêu cầu dừng ngay ngay sau khi có chỉ đạo từ phía Sở Tài nguyên và Môi trường. 

Trước đó, một số hoạt động trong khai thác khoáng sản của Công ty Mạnh Tuấn HD đã bị cơ quan chức năng yêu cầu khắc phục vi phạm. Năm 2020, doanh nghiệp này bị cơ quan chức năng xử phạt với số tiền gần 100 triệu đồng.

Trong khi đó, tại xã Bắc Lũng nơi có mỏ khoáng sản của Công ty CP đầu tư xây dựng và tư vấn An Phát, bàn luận về nội dung này, Chủ tịch UBND xã Bắc Lũng ông Lê Xuân Ngọc cho hay: "Chúng tôi làm rất quyết liệt, làm cả barie có người gác để ngăn chặn việc hoạt động trái phép của đơn vị, nên không có chuyện doanh nghiệp dám làm lén lút".

Năm 2020, doanh này từng bị UBND huyện Lục Nam ban hành quyết định xử phạt hành chính với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông, với mức phạt 17 triệu đồng.

Năm 2020, tỉnh Lục Nam đã liên tục ban hành các văn bản tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi của những cá nhân, đơn vị.

Như vậy, việc doanh nghiệp “lén lút” khai thác khoáng sản bất chấp lệnh tạm dừng hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường là có, tuy nhiên để ngăn chặn hành vi vi phạm này cần phải có sự vào cuộc đồng lòng của quần chúng nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt của Công an xã, UBND xã, tổ phản ứng nhanh bảo vệ tài nguyên khoáng sản của Nhà nước.

Cùng với đó, thiết nghĩ cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Bởi lẽ Bắc Giang đang là khu vực thu hút mạnh đầu tư của doanh nghiệp chinh vì vậy để tạo mặt bằng xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần rất lớn vật liệu dùng san lấp. Khi cầu lớn hơn cung, nếu không quản lý tốt, quản lý chặt nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương thì rất dễ dẫn đến thất thu ngân sách, Nhà nước mất đi tiền thuế, trong khi những “cá nhân” kia thì lại ôm trọn lợi ích phi pháp.

Chinha vì vậy, để ngăn chặn thất thoát tài nguyên khoáng sản tại địa phương, không chỉ riêng huyện Lục Nam mà tất cả các huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều phải nghiêm túc triển khai, nêu gương tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết xử lý sai phạm đối với cá nhân/tổ chức khi phát hiện hành vi vi phạm. Tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh Bắc Giang.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Tường Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/lam-gi-de-ngan-chan-doanh-nghiep-khoang-san-khai-thac-len-lut-d167946.html