Mục sở thị công nghệ biến bùn thành CO2 và nước trên sông Tô Lịch

18/06/2019 14:28

Kinhte&Xahoi Với công nghệ của Nhật Bản, lượng bùn dưới lòng sông Tô Lịch sẽ được xử lý thành CO2 và nước mà không cần tốn công sức, tiền bạc để nạo vét.

Xử lý bùn thành CO2 và nước ở sông Tô Lịch

Ngày 17/6, khoảng 70m2 mặt nước sông Tô Lịch (Hà Nội) đã được quây riêng bằng rào sắt để các chuyên gia Nhật Bản trình diễn phân hủy bùn thành khí CO2 và nước bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Các chuyên gia Nhật Bản đã quyết định quây khu vực này để cho mọi người thấy hiệu quả của các tấm Bioreactor (được làm từ đá núi lửa của Nhật Bản và được chế tác độc quyền).

Thử nghiệm này bắt đầu sau 1 tháng thí điểm xử lý nước bằng công nghệ kể trên ở sông Tô Lịch.

Các công nhân đang chèn thêm bao cát vào khu vực hàng rào sắt để tránh lượng nước thải chảy ra ngoài.

Khu vực "trình diễn phân hủy bùn thành CO₂ và nước" ở sông Tô Lịch nằm ở đoạn sông Tô Lịch đoạn qua phố Nguyễn Đình Hoàn.

Theo đơn vị thực hiện thí điểm, lớp bùn dưới sông Tô Lịch có nơi dày cả mét. Công nghệ trên sẽ xử lý bùn mà không cần nạo vét.
 
Đại diện đơn vị thực hiện cho hay, việc thí điểm xử lý phân hủy bùn ở sông Tô Lịch sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng. Đơn vị dự kiến sẽ tiếp tục thí điểm công nghệ này tại sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tích.







Bên trong rào quây, các chuyên gia đặt 4 tấm vật liệu Bioreactor. Nước nano liên tục bơm vào khu vực để tạo dòng chảy lưu thông. 

Các tấm Bioreactor được làm chủ yếu từ đá núi lửa Nhật Bản, không tan trong nước, tồn tại trong thời gian khoảng 25 năm và từng áp dụng ở Nhật từ những năm 1994.

Theo đánh giá, hiện mực nước sông Tô Lịch thấp, không đủ nước để dẫn bọt khí nano đến khu vực bùn cao hơn mực nước. Chính vì vậy, các chuyên gia đã phải bơm nước nano vào khu vực này. "Nạo vét bùn bằng máy móc, nhân công gây lãng phí tiền công, không xử lý được tận gốc vấn đề. Mỗi lần nạo vét cơ học, phải tốn diện tích đất để chôn lấp bùn, có nguy cơ ảnh hưởng tới mạch nước ngầm, sức khỏe của người dân khu vực chôn lấp", chuyên gia Nhật Bản cho biết.

Người dân theo dõi quá trình xử lý bùn ở sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản.

Cũng trong ngày 17/6, các đơn vị đánh giá độc lập bao gồm Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Công nghệ môi trường đã lấy mẫu nước và bùn của sông Tô Lịch đi kiểm tra.
Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản gồm hai thiết bị, đó là: Các máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor (được làm từ đá núi lửa của Nhật Bản).

Các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor sau khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm điện li phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt.

Việc đặt các máy sục khí công nghệ nano để tăng hiệu quả, tốc độ xử lý và giảm lượng bùn ở dưới đáy. Máy sục khí nano của Nhật Bản tạo ra các bọt khí kích thước micro (đường kính nhỏ hơn 50µm) và nano (đường kính nhỏ hơn 50 nm) rất nhỏ nên nó chìm xuống phần tầng giữa và tầng đáy của hồ có tác dụng phân giải các chất bẩn, bùn ở tầng giữa và tầng đáy. 
 
 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus