Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu dự kiến GRDP tăng 7 - 7,5%

07/12/2021 14:41

Kinhte&Xahoi Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 năm 2022 của TP Hà Nội đặt ra 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó GRDP tăng từ 7 - 7,5%.

Quang cảnh kỳ họp

Theo Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 năm 2022 được trình bày tại kỳ họp thứ ba, HĐND TP Hà Nội sáng 7/12: Mục tiêu tổng quát của TP trong năm tới là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, TP đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy; Tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”...

Đáng chú ý, Nghị quyết của HĐND TP dự kiến thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó GRDP tăng từ 7 - 7,5%.

TP Hà Nội đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, TP Hà Nội sẽ ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp các trạm y tế cơ у sở.

TP sẽ hình thành hệ thống kiểm soát dịch bệnh đồng bộ các cấp, đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế kịp thời, hiệu quả dịch bệnh; Tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời mở rộng tiêm vắc xin cho trẻ em từ đầu năm 2022.

Cùng với đó, TP đảm bảo duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách; Triển khai thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Trung ương về tài chính, ngân sách; Các gói kích cầu phục hồi phát triển kinh tế.

TP tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trên địa bàn thành phố theo nghị quyết của Quốc hội; Tăng cường kỷ luật tài chính, công tác quản lý thu, chống thất thu; Điều hành ngân sách chủ động, tích cực, an toàn, đúng quy định.

Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Triển khai và quản lý tốt hóa đơn điện tử, phấn đấu đến hết quý I/2022 có 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh triển khai hóa đơn điện tử; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm…

Bên cạnh đó, TP tiếp tục tăng cường quản lý và phát triển đô thị; Khai thác hiệu quả tài nguyên; Bảo vệ môi trường; Phát triển văn hóa xã hội, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; Đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh, phúc lợi xã hội; Giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững…

Trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Duy Hoàng Dương cho biết, các ban của HĐND TP cơ bản thống nhất về các nội dung của báo cáo kết quả thực hiện các kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2021 của UBND TP.

Ban Đô thị đề nghị UBND TP quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 15,2% trong khi mục tiêu đề ra 17 - 18%. Chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn (80% - KH 85%) không hoàn thành, còn 166 xã chưa được lắp đặt mạng cung cấp nước sạch. Chỉ tiêu cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (92,5% - KH 95%), không hoàn thành.

Ban Văn hóa - Xã hội nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần được đánh giá kỹ hơn. Trong đó, một số địa phương, cơ sở còn có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; Chưa chặt chẽ trong thực hiện giãn cách xã hội, chưa kịp thời, còn lúng túng khi chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Một bộ phận người dân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Cá biệt còn có địa phương quản lý công tác tiêm chủng chưa chặt chẽ dẫn đến sự cố đáng tiếc. Việc triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19 ở một số cơ sở còn chưa kịp thời…

Ban Văn hóa - Xã hội cũng đề nghị UBND TP đánh giá lại việc triển khai dạy học online trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh còn khó khăn; Phần mềm dạy học trực tuyến còn bất cập; Trang thiết bị và chất lượng đường truyền có lúc hạn chế nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác dạy và học...

22 Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 7 - 7,5%.

2. GRDP bình quân đầu người: 139 - 141 triệu đồng.

3. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội: 10%.

4. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 5,0%.

5. Chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4%.

6. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,1%.

7. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước: 0,1%.

8. Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

9. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 92,5%.

10. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 40%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 1,5%.

11. Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 37,5%.

12. Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố: 20%.

13. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: Dưới 4%.

14. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 72,2%.

15. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 70 trường.

16. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa": 88%.

17. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 63%.

18. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa": 72,5%.

19. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: khu vực đô thị đạt 100%; Khu vực nông thôn đạt 85%.

20. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%.

21. Xử lý ô nhiễm môi trường: (i) Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 95%. (ii) Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%. (iii) Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 28,8%.

22. Số xã được công nhận đạt tiêu chí Nông thôn mới nâng cao tăng thêm: 25 xã; Số xã Nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm: 15 xã. 

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nam-2022-ha-noi-dat-muc-tieu-du-kien-grdp-tang-7-75-184969.html