Nếu trót lọt, đời ‘con đồng chí nào’ được sửa điểm như mơ?

19/04/2019 09:22

Kinhte&Xahoi Khi ra trường họ lại được đảm bảo việc làm như mơ và sẽ là những cán bộ viên chức “hạt giống” trong các cơ quan quyền lực nhà nước?

Cần “gọi tên” các phụ huynh chạy điểm

Vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 đang ngày càng khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ bởi những sự thật động trời tiếp tục được hé lộ.

Về pháp lý, đây không phải là một vụ gian lận thi cử thông thường như vẫn xảy ra bấy lâu nay trong ngành giáo dục, bởi kết quả của nó quyết định tương lai của những học sinh là đối tượng được hưởng lợi.

Tương lai đó là gì? Họ sẽ vào học trường tốp trên, dù không đáng được hưởng bởi năng lực học tập yếu kém. Khi ra trường họ lại được đảm bảo việc làm như mơ và sẽ là những cán bộ viên chức “hạt giống” trong các cơ quan quyền lực nhà nước nhờ sự “bảo trợ” của người thân và tiền bạc.

Bố mẹ họ thừa biết, với năng lực học hành của những cậu ấm, cô chiêu như họ, nếu để tự thân vận động thì đa phần có nằm mơ cũng không thể vào được giảng đường đại học danh giá như các trường thuộc ngành công an, quân đội hay y dược, thương mại,…

“Có bột mới gột nên hồ”, nhưng bột ở đây không phải là kiến thức mà là quyền lực của bố mẹ, người thân; là năng lực “súng đạn” của gia đình. Và như thế chẳng khác nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa nhận hối lộ để thực hiện hành vi tham nhũng (gian lận đưa người không đủ năng lực vào học các trường đại học danh tiếng để chiếm việc làm tốt trong tương lai). 
Nếu chót lọt, khi ra trường họ lại được đảm bảo việc làm như mơ? Ảnh minh họa

Thí sinh N.A.T ở Sơn La có môn thi 0 (không) điểm biến thành 9 đã khiến dư luận không thể tin nổi. Chấn động hơn, thí sinh N.H.Q. ở Hòa Bình có hai môn (Lý và Hóa) đều 0 điểm nhưng được “hô biến” thành 9 và 9,25. Tổng điểm chênh lệch cả 3 môn của thí sinh này lên tới gần 27 điểm.

Đó là những minh chứng cho hành vi “ăn cướp” điểm số trắng trợn vượt quá sức tưởng tượng của dư luận.

Cho nên, trong vụ án này, ngoài các nghi phạm đã bị khởi tố là những cán bộ gián tiếp hoặc trực tiếp can thiệp vào điểm số của thí sinh thì cần phải “gọi tên” các phụ huynh tham gia đường dây chạy điểm.

Đối với các thí sinh “bị” nâng điểm, việc xử lý có thể “nhân văn” hơn nhưng cũng phải minh bạch, nghiêm minh thì mới có tác dụng răn đe, giáo dục.

Rất tiếc là đối với loại vi phạm này, quy chế hiện hành của Bộ GD-ĐT quy định chưa chặt chẽ, đầy đủ.

Trong 54 điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp năm 2018 chỉ có điều 49 quy định chế tài xử lý thí sinh vi phạm trực tiếp trong kỳ thi. Trong đó, không thấy có mục nào ở điều 49 nói về việc thí sinh dính đến gian lận thi ở khâu chấm thi.

Đây có lẽ là điểm bất cập của quy chế khiến việc xử lý thí sinh rơi vào tình trạng lúng túng, gây tranh cãi sau khi vụ việc bị phanh phui.

Không hiểu sao trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (thông tư 03/2019/TT-BGDĐT) ban hành ngày 18/3/2019, nghĩa là sau khi vụ gian lận thi 2018 “lộ sáng” đã 6 tháng, điều 49 vẫn được giữ nguyên.

Sẽ ra sao nếu trót lọt?

Nếu hành vi gian lận thi cử trót lọt thì hậu quả để lại sẽ như thế nào?

Những thí sinh được phù phép điểm số, biến 0 thành 9, biến 1 thành 27 ấy đã là tân sinh viên của các trường đại học danh giá, thậm chí có người còn là thủ khoa, á khoa.

Ai đó nghĩ đơn giản, dù chạy điểm để được vào trường nhưng năng lực học tập kém cỏi thì sớm muộn chi cũng sẽ bị loại. Điều đó có thể xảy ra nhưng không phải là tất cả khi “cơ chế thị trường” đang ngạo nghễ nơi trường học.

Các phụ huynh chạy điểm đã tính kỹ đường đi nước bước, đâu dễ để con mình giữa đường đứt gánh.

Chuyện chạy điểm cũng không chỉ xảy ra ở mùa tuyển sinh mà thực chất ở đâu có thi cử, ở đó có tiêu cực. Giảng đường đại học cũng không nằm ngoài vòng “phủ sóng” của vấn đề nhức nhối này.

Và rồi cứ thế, những thí sinh năng lực học tập kém cỏi lại sớm nhiễm thói gian dối sẽ tiếp tục hành vi đáng lên án của mình ở môi trường giáo dục đại học, trở thành những “sinh viên giỏi” rồi tốt nghiệp “xuất sắc”? Công việc như mơ ở địa phương, ở bộ, ban, ngành được sắp sẵn chờ họ sau khi tốt nghiệp ra trường.

Tương lai, họ sẽ là những công chức, viên chức “gương mẫu”, “trong sạch”, thăng tiến vù vù.

Hẳn mọi người chưa quên, hồi đầu tháng 9 năm ngoái, T.P.T. (quê Hòa Bình) thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn, khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã từng tự tin phản bác sự nghi ngờ, bàn tán của dư luận bằng những lời có cánh: “mong sớm làm rõ vụ tiêu cực sớm có kết quả cuối cùng để những người học thật, thi thật được đối xử công bằng”.

Có lẽ khi trả lời báo chí như thế, cô tân “thủ khoa” không ngờ rằng, chỉ mấy tháng sau, điều “tâm nguyện” của em “mong sớm làm rõ vụ tiêu cực” đã thành hiện thực.

“Những người giỏi thực sự” của Hòa Bình như em không còn cơ hội để chứng tỏ. Nhưng nếu như mọi việc trót lọt, 4 năm sau T.P.T. sẽ là cô giáo dạy Văn. Và biết đâu, với “bảng vàng” rực rỡ ngay từ kỳ thi này, em lại đứng trên bục giảng trường chuyên nơi mình từng theo học để răn dạy các thế hệ đàn em bài học về lòng trung thực và tự trọng?

Từ trường hợp của T.P.T. cũng như hàng trăm thí sinh được nâng điểm đã bị lộ, vấn đề không chỉ là bao nhiêu cán bộ bị xử lý, bao nhiêu thí sinh bị ngưng học trả về địa phương, bao nhiêu em lẽ ra đường hoàng vào đại học nhưng lại bị đánh trượt một cách oan uổng… mà là hậu quả tác động xã hội: Sự tha hóa con người bởi dối trá, lừa lọc.

Không thể không suy ngẫm: Tương lai đất nước sẽ ra sao khi tuổi trẻ hôm nay sớm nhiễm thói gian lận, dối trá?

Theo Vietnamnet/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Xin đừng gây khó cho doanh nghiệp thương binh

Trong không khí toàn Đảng, toàn dân đang hướng đến kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), tưởng nhớ tới sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ, thương bệnh binh đã không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng thì giữa Thủ đô Hà Nội lại có cách hành xử theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”, gây khó doanh nghiệp thương binh.