Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Tập trung nâng chất lượng giáo dục toàn diện

16/08/2022 08:36

Kinhte&Xahoi Ngày 15-8, tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam (quận Cầu Giấy), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng…

Quang cảnh hội nghị. 

Theo báo cáo do Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn trình bày, năm học 2021-2022, toàn thành phố có 2.835 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh, 138.000 giáo viên. Dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, hoàn thành các nhiệm vụ năm học, kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành học mầm non có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động kết nối với gia đình trẻ để triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục khi trẻ phải tạm dừng đến trường trong phần lớn thời gian của năm học. Cấp học phổ thông triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2, 6. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 125 học sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 63 huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế. Điểm nhấn đáng chú ý là trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, Hà Nội có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%); 104 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, cao hơn năm trước 13 đơn vị. 

Dù vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn gặp một số khó khăn về việc bố trí quỹ đất để xây dựng trường học ở các quận nội thành; thiếu giáo viên ở một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”. Toàn ngành tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông… 

Lưu ý về nhiệm vụ năm học 2022-2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện tốt “mục tiêu kép” là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm chất lượng giáo dục, vừa củng cố kiến thức, vừa dạy kiến thức mới; triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tích cực đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường xã hội hóa. 

 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng, tâm huyết, đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên để đạt được những kết quả rất đáng khích lệ năm học 2021-2022, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận diện rõ những vấn đề còn bất cập, khó khăn để có giải pháp khắc phục, trong đó quan tâm đến vấn đề tư vấn tâm lý học đường; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. 

Nhấn mạnh những thuận lợi và vị thế của Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu, năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung thực hiện ba nhóm việc: Tiên phong triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế; mạnh dạn tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách mới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, khắc phục dần sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn. Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần quan tâm giáo dục sáng tạo trong nhà trường; đẩy mạnh công tác giáo dục địa phương để nâng cao giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lòng nhân ái cho học sinh. 

Bên cạnh đó, toàn ngành cũng cần tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn mức độ 2; xây dựng một số trường liên cấp hiện đại; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo… 

 Thống Nhất - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1039493/nganh-giao-duc-va-dao-tao-ha-noi-tap-trung-nang-chat-luong-giao-duc-toan-dien